Thời sự

Thủ đô Hà Nội vươn mình mạnh mẽ

Hà Nội

Sau 70 năm ngày Giải phóng, Thủ đô đã có một sắc diện mới "Tầm vóc và bề thế hơn".

Những ngày này, không khí kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2022) ngập tràn trên khắp phố phường Hà Nội. Từ ngõ nhỏ, tuyến phố, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị… đỏ sắc cờ hoa, cổng chào, băng rôn, biểu ngữ, người dân náo nức chào đón ngày hội lớn.

Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.

70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc lớn lao và ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 mãi là nguồn cổ vũ to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô và đất nước. Từ một thành phố chịu nhiều tổn thương trong chiến tranh, giờ đây, Hà Nội đang vươn mình phát triển mạnh mẽ. Bức tranh Thủ đô đã và đang ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, được bạn bè thế giới vinh danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của Quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người dân di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ. Biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Hội đồng Chính phủ đã công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng. Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại.

Chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đứng gác trên cầu Long Biên, chiều 9/10/1954 sau khi quân Pháp rút hết khỏi Thủ đô qua cây cầu này để xuống Hải Phòng. 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn Quân Tiên Phong từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 20 vạn người dân Hà Nội. 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng với niềm vui sướng tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính...

Sau 70 năm ngày Giải phóng, nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô, mọi người đều thấy sự đổi thay nhanh chóng, phát triển toàn diện và bền vững từ thành thị đến vùng nông thôn. Từ sân bay quốc tế Nội Bài, chiếc xe ô tô lao nhanh hướng thẳng đến trung tâm thành phố, qua cầu Thăng Long, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng với hai "mảng màu" rõ rệt, minh chứng cho sự đổi thay và phát triển của Hà Nội. Một bên đường là gam màu ngói đỏ tươi của những biệt thự nhà vườn liền kề, biểu trưng cho vùng ngoại ô trù phú; còn phía bên kia san sát các nhà xưởng của các tập đoàn đa quốc gia... đang đồng hành cùng Hà Nội phát triển.

Cầu Nhật Tân là một trong ba cây cầu có số nhịp dây văng lớn nhất thế giới, với thiết kế gồm 5 trụ tháp, tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội, 5 cánh hoa đào của làng đào Nhật Tân. 
Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN

Ngoài ra, nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 70 năm phát triển. Bên cạnh đó, những công trình giao thông hiện đại nhất của đất nước đang được khai thác, đưa vào sử dụng hiệu quả như: Cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Thanh Trì... với hệ thống chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, đêm đêm tỏa sáng lung linh soi bóng nước sông Hồng. Những con đường vành đai 1,2,3 và đường xuyên tâm, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng như: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long... không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tiến sĩ, Kiến Trúc sư Jan Gehl, tác giả cuốn sách “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc” khi nhắc đến sự đổi thay của Hà Nội sau nhiều năm nghiên cứu đã thốt lên: "Diện mạo Hà Nội vụt sáng dậy theo cả chiều rộng lẫn chiều cao”. Thủ đô đã có một sắc diện mới "Tầm vóc và bề thế hơn". Không chỉ những quận nội thành có những đổi thay kỳ diệu với hàng trăm tòa nhà cao tầng đã được xây dựng, mà những khu đô thị mới xanh, sạch, đẹp đã và đang dần hiện hữu trên những mảnh ruộng ngày nào.

Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao. 
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ, trong suốt 70 năm qua dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Thủ đô Hà Nội không ngừng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào, chiến sỹ cả nước. Cùng với cả nước, Hà Nội đang quyết tâm triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu, song, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Điển hình như: kinh tế - xã hội Thủ đô duy trì tăng trưởng. Từ năm 2021 đến năm 2023, kinh tế Thủ đô đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.

Hà Nội đang rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. 
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Trong 8 tháng của năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 343,6 nghìn tỷ đồng (đạt 84,1% dự toán pháp lệnh năm, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, thu nội địa 323,9 nghìn tỷ đồng. Toàn thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn FDI, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023... An sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đặc biệt, sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô.

Cùng với mục tiêu của Chính phủ về việc trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội đang nỗ lực trồng cây xanh nhằm cải thiện môi trường, vừa giúp giảm khói bụi, tiếng ồn, vừa nâng cao mỹ quan đô thị. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Có thể khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội có được bức tranh kinh tế - xã hội khởi sắc như hôm nay. Bên cạnh sự đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô, còn có sự chỉ đạo xuyên suốt trong các Nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ thành phố. Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là "kim chỉ nam" để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô "Văn hiến - văn minh - hiện đại"./.

Nội dung: Tuyết Mai - Đinh Thuận - Nguyễn Thắng

Thiết kế: Vũ Bắc

Hình ảnh, đồ họa, video: TTXVN phát

Tin liên quan

Xem thêm