Thủ tướng Phạm Minh Chính: An ninh kinh tế góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành tích, chiến công xuất sắc mà lực lượng An ninh kinh tế đã đạt được.
TTXVN - Sáng 30/5, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh kinh tế (13/5/1953-13/5/2023) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu định hướng công tác cho lực lượng An ninh kinh tế trong thời gian tới. Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.
* Lớn mạnh cùng đất nước
Diễn văn kỷ niệm cho biết, lực lượng An ninh kinh tế ra đời khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn quyết định, nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển lớn mạnh theo chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng An ninh kinh tế đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ kinh tế, đồng thời với nhiệm vụ bảo vệ chính trị, bảo vệ trị an, bảo đảm “hậu phương” được vững mạnh, phát triển sản xuất, tạo điều kiện để xây dựng xã hội mới và cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến.
Sau ngày thống nhất đất nước, trên mặt trận kinh tế vẫn diễn ra những cuộc đấu tranh thầm lặng, hết sức phức tạp và quyết liệt, với các cơ sở nội gián, phản động còn cài cắm lại, các âm mưu và hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, khó khăn hậu chiến, lệnh cấm vận bao vây… Lực lượng An ninh kinh tế đã tích cực tham gia bảo vệ các cơ sở kinh tế, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn; phát hiện, đấu tranh nhiều vụ án quan trọng như vụ gián điệp tại Xí nghiệp dệt Phong Phú, vụ nổ tại Nhà máy xi măng Hoàng Thạch. Đặc biệt là bảo vệ an toàn các cơ sở kinh tế quan trọng như hệ thống các nhà máy điện, dầu khí, các nhà máy, cảng biển, sân bay… Năm 1986, đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, lực lượng An ninh kinh tế thay đổi tư duy, phương pháp, bảo đảm an toàn và phục vụ phát triển của nền kinh tế nói chung, trong đó có các mô hình kinh tế mới, chưa có tiền lệ.
Bước sang thế kỷ XXI, lực lượng An ninh kinh tế từ Bộ đến địa phương đều có bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc. Lực lượng An ninh kinh tế đã tập trung phát hiện, đấu tranh, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại kinh tế, thông qua kinh tế để phá hoại chính trị, chuyển hóa nội bộ của cơ quan đặc biệt nước ngoài; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm mới, tội phạm tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại; xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn như vụ án tham ô tài sản nhà nước của Lã Thị Kim Oanh; vụ “chạy" quota hàng dệt may xuất khẩu; vụ vi phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin; vụ Giang Kim Đạt và đồng bọn; chuyên án đấu tranh với đường dây buôn lậu xăng dầu quy mô lớn trên biển của Nguyễn Trường Sơn và đồng bọn...
Ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các thế hệ cán bộ, sĩ quan trong lực lượng An ninh kinh tế, Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhiều đơn vị thuộc lực lượng An ninh kinh tế; nhiều lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động... cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và các ban, bộ, ngành. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng, Cục An ninh kinh tế được tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Lực lượng An ninh kinh tế nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thành tích, chiến công và mỗi bước trường thành của mình đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an; sự ủng hộ, phối hợp nhịp nhàng của Công an các đơn vị, địa phương; của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp; sự đùm bọc và giúp đỡ của nhân dân đối với lực lượng An ninh kinh tế.
* Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, an ninh quốc gia là vấn đề đặc biệt hệ trọng, then chốt, sống còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm an ninh quốc gia nói chung và an ninh kinh tế nói riêng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, mà lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt, lực lượng An ninh kinh tế là trung tâm.
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ, lực lượng An ninh kinh tế đã đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, mưu trí, dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và nhân dân giao phó; luôn nhận được sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an trong công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh kinh tế.
Lực lượng An ninh kinh tế đã kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình tổ chức mới; có nhiều đề xuất, tham mưu chiến lược lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Lực lượng An ninh kinh tế đã chủ động, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực, địa bàn kinh tế; phát hiện, đẩy lùi, ngăn chặn những nguy cơ về kinh tế; bảo vệ đường lối, chính sách về kinh tế, bảo vệ đội ngũ cán bộ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, hoạt động nâng cao tiềm lực an ninh kinh tế đạt nhiều kết quả. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lực lượng An ninh kinh tế cũng kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý có hiệu quả những phức tạp nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình phát triển kinh tế; góp phần bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia trong đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thu hút đầu tư nước ngoài; bảo đảm an ninh trong hợp tác khoa học về biển; phát hiện và đấu tranh có hiệu quả, kịp thời ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động dùng kinh tế để can thiệp, chuyển hóa chính trị cũng như các hoạt động chống phá quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Những thành tựu đạt được trong bảo đảm an ninh kinh tế đã góp phần quan trọng bảo vệ độc lập, tự chủ và ổn định của nền kinh tế đất nước, ổn định về chính trị - xã hội; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tạo thế và lực mới ngày càng vững chắc trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế; phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, chiến công xuất sắc mà lực lượng An ninh kinh tế đã đạt được trong thời gian qua.
* Thử thách ở phía trước
Theo Thủ tướng, thời gian tới, tình hình thế giới có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, khó lường và khó dự báo hơn. Các vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Ở trong nước, mặc dù đạt được những thành quả to lớn như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Song, đất nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do nước ta là một nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nhiệm vụ của lực lượng An ninh kinh tế hết sức nặng nề.
Trước nhiệm vụ bảo đảm an ninh kinh tế trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, lực lượng An ninh kinh tế kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện đối với Công an nhân dân, trong đó có lực lượng An ninh kinh tế; thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng về an ninh, trật tự; chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh kinh tế và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật.
Cùng với đó, lực lượng An ninh kinh tế phải chủ động nắm vững tình hình, nghiên cứu, đánh giá, dự báo kịp thời từ sớm, từ xa nguy cơ xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, các dấu hiệu bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, khu vực có tác động, ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến nền kinh tế nước ta để kịp thời tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách. Lực lượng An ninh kinh tế cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự trên lĩnh vực kinh tế; thẩm định yếu tố an ninh, trật tự trong các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực xây dựng và thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý kinh tế; góp phần tích cực xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ, đồng thời hội nhập quốc tế tích cực và hiệu quả.
Thủ tướng cho rằng, lực lượng An ninh kinh tế phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động tấn công, tích cực phòng ngừa; nhạy bén, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại kinh tế, thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị của các thế lực thù địch, các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế và các vi phạm pháp luật; tiếp tục tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hiệp đồng tác chiến hiệu quả với các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong Công an nhân dân; chú trọng xây dựng, phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm tốt công tác dân vận, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp bảo đảm an ninh kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước…
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng, với truyền thống anh hùng cách mạng 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, sáng mãi tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, lực lượng An ninh kinh tế sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu không ngừng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm an ninh kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
"Chúng ta phải cùng nhau xây dựng lực lượng An ninh kinh tế nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học công nghệ, tinh thông về nghiệp vụ; nắm chắc pháp luật, có tính nhân văn cao cả; danh dự là điều thiêng liêng nhất; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; gắn bó mật thiết máu thịt với nhân dân, vì nhân dân phục vụ”, Thủ tướng mong muốn.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả việc xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng An ninh kinh tế nói riêng vững mạnh toàn diện cả về con người, về tổ chức và cơ sở vật chất, phương tiện; coi trọng công tác xây dựng Đảng, chính trị tư tưởng và qua đó xây dựng lực lượng An ninh kinh tế thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ được giao; quan tâm đảm bảo chế độ, kịp thời động viên khen thưởng với cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong công tác; xây dựng hình ảnh người cán bộ Công an nêu gương, tận tụy, luôn sẵn sàng phục vụ Nhân dân.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất tặng Cục An ninh kinh tế và gắn Huân chương lên cờ truyền thống của lực lượng An ninh kinh tế; trao các phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước tặng các tập thể, cá nhân của lực lượng An ninh kinh tế./.