Chuyển đổi xanh là xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
TTXVN - Chiều 25/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Môi trường cho Phát triển (EfD-Vietnam), Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA) và Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi xanh và bao trùm cho phát triển bền vững ở các nước đang phát triển: Chương trình nghiên cứu”.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu thực tiễn về công tác thực hiện chuyển đổi xanh tại Việt Nam để đóng góp cho “Kế hoạch nghiên cứu nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi carbon thấp ở các nước đang phát triển” do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế (IDRC) của Canada chủ trì và Tổ chức Sáng kiến Môi trường cho Phát triển Toàn cầu (EfD Global Hub) soạn thảo. Đây là một kế hoạch nhằm định hướng và tài trợ nghiên cứu về vấn đề khí hậu và phát triển bền vững cho các nước đang phát triển trong những năm tới đây.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và nghiên cứu về nhu cầu chuyển dịch theo hướng giảm phát thải và thúc đẩy sự chuyển đổi carbon thấp vì mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Những ý kiến đóng góp từ các đại biểu sẽ được ban tổ chức hội thảo tổng hợp và gửi đến IDRC và EfD Global Hub.
Tiến sỹ Nguyễn Quang, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi xanh được hiểu là việc xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu của chuyển đổi xanh là đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Đây là một trong những nội dung quan trọng của phát triển kinh tế bền vững tại nhiều quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, do đó trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á tiên phong trong thực hiện chuyển đổi xanh.
Việt Nam đã có nhiều chính sách tài chính nổi bật như: Các chính sách về thuế, phí và các công cụ kinh tế để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh. Có thể kể đến Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 quy định về mức thuế suất đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao; “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư vào các dự án môi trường, khuôn khổ cho tài chính xanh ở Việt Nam đang dần hình thành và hệ thống tài chính đã có những tham gia tích cực vào chiến dịch xanh hóa nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam…
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng và lan tỏa thông điệp tích cực của mục tiêu chuyển đổi xanh đến cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh và bền vững, thân thiện với môi trường hơn. Một số doanh nghiệp còn tăng cường xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt chuẩn nhằm đảm bảo nước thải, khí thải được xử lý an toàn, các thông số ô nhiễm ở mức cho phép trước khi thải ra môi trường.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh (Viện Chính sách Kinh tế Môi trường), hiện tại Việt Nam vẫn còn một số rào cản, gây khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh. Rào cản lớn nhất là việc còn thiếu nhiều quy định cụ thể, có tính luật hóa về các tiêu chí liên quan đến mức độ xanh hóa sản xuất như: Xác định doanh nghiệp xanh, quy trình sản xuất xanh, vật liệu xanh. Bởi doanh nghiệp cũng như chuyên gia đều có những cách hiểu và vận dụng khác nhau nên đôi khi gây ra sự lúng túng cho các doanh nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh đề nghị, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong định hướng chuyển đổi xanh của mình. Đặc biệt, cần phải có quy định riêng cho từng ngành bởi tính chất mỗi ngành là khác nhau; khung pháp lý liên quan đến cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh cũng cần được sớm hoàn thiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn và các tổ chức tín dụng có thể thuận lợi hơn trong công tác cấp tín dụng xanh. Đồng thời, cần bổ sung những chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh...
Tiến sỹ Mai Thanh Dung (Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi Trường) cho biết, Việt Nam đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến môi trường. Các đề xuất, đề nghị cho mỗi văn bản luật đòi hỏi phải có luận cứ rõ ràng, khoa học và thuyết phục thì mới có thể đưa vào luật. Tuy nhiên, không phải lúc nào các nhà xây dựng chính sách cũng có điều kiện tiếp cận những tư liệu khoa học cập nhật chính xác nhất. Do đó, ông Dung đề nghị, không chỉ ở Việt Nam mà cả những quốc gia đang phát triển khác, việc nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chính sách giảm phát thải và bảo vệ môi trường nên có sự tham gia sâu sát hơn của các chuyên gia, viện nghiên cứu, trường đại học về tài nguyên - môi trường./.
- Từ khóa:
- Thúc đẩy
- chuyển đổi xanh
- giảm phát thải
- Việt Nam