Nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
TTXVN - Sáng 11/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam".
Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 đại biểu đại diện lãnh đạo ban, bộ, cơ quan Trung ương, một số địa phương, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cho biết, hiện nay, ở nước ta, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng). Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội. Việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Để thể chế hóa đường lối của Đảng, ngày 18/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; trong đó quy định về công tác quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư này trong các lĩnh vực gồm: Giao thông vận tải; Điện; Thủy lợi, Nước sạch; Y tế - Giáo dục và Hạ tầng công nghệ thông tin. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, thông tư để hoàn thiện khung pháp lý triển khai đầu tư theo phương thức PPP.
Trong những năm qua, việc triển khai đầu tư theo phương thức PPP đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới. Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế. Đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác. Điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Hội thảo đã trao đổi, đề xuất các giải pháp xây dựng môi trường thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư tin cậy, bền vững; thảo luận về những vướng mắc trong cơ chế tài chính đối với dự án PPP; kỳ vọng của nhà đầu tư quốc tế đối với phương thức PPP. Các đại biểu đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong các ngành, lĩnh vực như y tế, giao thông...
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa (Chuyên gia tư vấn Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB, Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, doanh nghiệp đầu tư ở Việt Nam chịu nhiều rủi ro về pháp lý. Theo ông Nghĩa, ở Việt Nam có 12 loại rủi ro xuất hiện phổ biến, nhưng có đến 10 loại trong số đó chưa có công thức và cách giải quyết triệt để. Do đó, doanh nghiệp còn ngại đầu tư. Để thúc đẩy đầu tư PPP, Nhà nước phải hiểu doanh nghiệp, rủi ro của doanh nghiệp và cùng chia sẻ rủi ro đó.
Từ thực trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa đề xuất phải có tổ chức dẫn dắt. Khi đó, không phải Nhà nước đầu tư mồi mà Nhà nước sẵn sàng có dòng tiền để đối phó với rủi ro khi đầu tư.
Một số ý kiến đề nghị Nhà nước cần tăng cường thực hiện vai trò là đối tác của nhà đầu tư, khẩn trương xử lý các khó khăn, vướng mắc dự án PPP trên cơ sở hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tổng kết, rà soát hệ thống pháp luật về PPP đảm bảo rõ ràng, đồng bộ, khả thi trong thực hiện; tách bạch quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư, Nhà nước; có chính sách hấp dẫn, tháo gỡ khó khăn để huy động nguồn vốn...
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đi sâu phân tích nguyên nhân của các hạn chế, khó khăn như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn còn thiếu hiệu quả; nhiều dự án được lựa chọn áp dụng PPP chưa khả thi. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa quy định một số lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch; chưa có quy định về cơ chế hiện thực hóa cam kết của phía Nhà nước đối với các bảo lãnh trong hợp đồng PPP…
Phiên thảo luận bàn tròn sâu hai chuyên đề: "Giải pháp thúc đẩy PPP trong phát triển một số lĩnh vực xã hội và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công" và "Giải pháp thúc đẩy PPP trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, xử lý rác thải, nước thải, cấp nước".
Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý; nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời gửi các cơ quan chức năng liên quan thực hiện chức năng thể chế hóa, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai, thực hiện các nghị quyết của Đảng có liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
- Từ khóa:
- Đầu tư
- đối tác công tư
- Ban Kinh tế Trung ương