Thực thi chính sách

Thúc đẩy xây dựng ngành hàng Thanh long xanh và bền vững tại Bình Thuận

Quả Thanh long của Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh.

TTXVN - Ngày 29/1, tại Hà Nội, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận”.

Hội thảo nhằm thúc đẩy xây dựng ngành hàng Thanh long xanh và bền vững tại Bình Thuận; đồng thời, tái khẳng định Việt Nam là quốc gia đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều phương pháp tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Quang cảnh Hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận”. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Tham dự Hội thảo có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng; bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã giới thiệu quá trình chuyển đổi sang trồng thanh long xanh, bền vững và phát thải carbon thấp của tỉnh; giới thiệu công nghệ ứng dụng di động để truy xuất “dấu chân” carbon và trang thông tin điện tử thanh long xanh Bình Thuận…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng, hiện tỉnh có diện tích và sản lượng thanh long đứng đầu cả nước với diện tích khoảng 27.787 ha, sản lượng trên 600.000 tấn/năm. Thanh long Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, góp phần trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống của nông dân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2023, Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UNDP Việt Nam hỗ trợ tham gia Chương trình thí điểm thu hút sự tham gia của các nông dân từ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long.

Sau các đánh giá chuyên sâu về chuỗi cung ứng, sử dụng công nghệ giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch ban đầu để phục hồi xanh sau COVID-19. Đồng thời, tiếp tục chuyển chuỗi cung ứng thanh long sang các hoạt động với mục tiêu bền vững như: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; sản xuất và chế biến được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và mã QR để cung cấp thông tin về nguồn gốc, chất lượng và trách nhiệm môi trường của sản phẩm; sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng...

100% hộ thành viên thuộc các hợp tác xã tại Bình Thuận đã chuyển đổi từ bóng đèn compact sang sử dụng đèn LED (loại 9W) tiết kiệm được hơn 50% điện năng tiêu thụ, góp phần làm giảm 68% lượng khí thải ra môi trường. Bên cạnh đó, nông dân tại Bình Thuận đã sử dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nên đã giảm 41,67% lượng nước tiêu thụ so với trước đây…

Các đại biểu tham dự không gian trưng bày tại Hội thảo. (Ảnh: Hải Ngọc/TTXVN)

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, nông dân và hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nông nghiệp thích ứng với khí hậu và phát triển kinh doanh xanh. Dựa trên kinh nghiệm và các kết quả đã đạt được tại Bình Thuận, UNDP sẵn sàng hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra Đề án quốc gia về chuyển đổi ngành Thanh long xanh, bền vững và phát thải ít carbon. Kế hoạch này sẽ thúc đẩy sản xuất bền vững, áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn và tận dụng các cơ chế tài chính bền vững để nhân rộng các mô hình trên phạm vi cả nước./.

Hải Ngọc

Xem thêm