An sinh

Thực hiện 3 đột phá chiến lược trong xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi tại Quảng Ninh

Quảng Ninh

Với những kết quả đạt được, ngày 5/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1.572 /QĐ-TTg về việc công nhận huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Huyện Ba Chẽ đón nhận Quyết định đạt chuẩn Nông thôn mới của Thủ tướng Chính Phủ. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

TTXVN - Sau hơn 12 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tối 23/12, huyện Ba Chẽ vinh dự đón nhận Quyết định đạt chuẩn nông thôn mới.

Ba Chẽ là huyện miền núi khó khăn thuộc khu vực Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, có diện tích tự nhiên 606,5 km²; dân số 23.487 người với 10 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 79%. Sau 12 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ một huyện miền núi, xuất phát điểm thấp, Ba Chẽ đã vươn lên với các kết quả quan trọng.

Nếu năm 2010, toàn huyện trung bình đạt 2/19 tiêu chí, 13/39 chỉ tiêu, có 5 xã đặc biệt khó khăn, chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2010 đạt mức 4,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 48%; đến hết năm 2022 có 7/7 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Ba Chẽ đạt đô thị văn minh. Huyện đạt chuẩn 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Thu nhập đầu người đạt 66 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn huyện 0,79%.

Phụ huynh huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đưa con đến trường khai giảng năm học mới. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Với những kết quả đạt được, ngày 5/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1.572 /QĐ-TTg về việc công nhận huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Phát biểu tại Lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên cả nước).

Đến nay 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%; trong đó có 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 13/13 địa phương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, có 12/13 địa phương đã có quyết định công nhận; hiện còn huyện Bình Liêu trình hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xét, trình Chính phủ công nhận); có 2 huyện Tiên Yên và Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đã trình hồ sơ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xét, công nhận.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Lễ công bố. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2022. Có 22/22 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 54,4 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị huyện Ba Chẽ tập trung triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược trong xây dựng nông thôn mới về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng; tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở. Đồng thời phải xác định rõ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể thực hiện và được thụ hưởng. Cùng với đó tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu phát triển bền vững; triển khai có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP.

Các sản phẩm chế biến từ trà hoa vàng. (Ảnh: TTXVN phát)

Cũng từ ngày 23-24/12, huyện Ba Chẽ khai mạc Lễ hội Trà hoa vàng, đây là hoạt động được tổ chức 2 năm 1 lần, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch COVID-19 làm gián đoạn nên từ năm 2020 đến nay mới tái tổ chức. Lễ hội với mục đích quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trà hoa vàng - một sản phẩm đặc hữu của Ba Chẽ. Cùng với đó, quảng bá các sản phẩm OCOP, các nông sản tiềm năng, thế mạnh của huyện, góp phần xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào huyện trên các lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu, phát triển du lịch và các ngành nghề khác có thế mạnh của địa phương. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra trưng bày gian hàng OCOP và các sản phẩm đặc hữu của địa phương như ba kích, cát sâm; giao lưu dân vũ các câu lạc bộ của huyện; trưng bày ảnh nghệ thuật “Vẻ đẹp mảnh đất, con người huyện Ba Chẽ./.

PV

Xem thêm