Đồng bào Công giáo đã đóng góp tiền của, ngày công thực hiện nhiều công tác an sinh xã hội, các công trình giao thông nông thôn, góp phần giữ vững, nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
TTXVN - Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, đồng bào Công giáo và Tin Lành tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện sống “Tốt đời, đẹp đạo” với nhiều hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
*Gương sáng "tốt đời, đẹp đạo"
Hơn 4 tháng qua, bếp ăn ở Nhà thờ Phường 4, thành phố Vĩnh Long đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người nghèo, khuyết tật. Cứ đều đặn mỗi tuần 5 ngày, bếp ăn lại hoạt động để mang đến những suất cơm trưa bổ dưỡng cho những người khó khăn. Với ý nghĩa thiết thực, bếp ăn đã huy động được sự chung tay góp sức của hơn 10 nhóm thiện nguyện với hơn 100 thành viên thay phiên nhau duy trì hoạt động. Mỗi suất cơm với đủ món mặn, món canh được trao đến với nghèo chỉ có 5.000 đồng/phần như một sự sẻ chia để họ nhẹ bớt một phần chi phí trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Phượng Linh, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, cứ đều đặn mỗi tháng, nhóm thiện nguyện của bà sẽ dành ra một ngày để đến nấu ăn tại bếp ăn Nhà thờ Phường 4. Với tinh thần tự nguyện và sẻ chia, bên cạnh việc góp sức nấu những suất ăn ngon, các thành viên của nhóm đóng góp thêm kinh phí để cho bữa cơm thêm chất lượng.
Cùng sẻ chia những công việc hỗ trợ người nghèo, khuyết tật, từ sáng sớm ông Nguyễn Hữu Giang, huyện Chợ Lách tất bật dọn dẹp, chuẩn bị bàn ghế, hướng dẫn người dân đến bàn ăn, nhất là hỗ trợ người khuyết tật có chỗ ngồi để ăn bữa cơm trưa thoải mái. Ông Giang chia sẻ: “Chúng tôi thấy công việc này rất thiết thực vì đã sẻ chia một phần nào khó khăn với bà con lao động nghèo, những người khuyết tật. Anh em luôn động viên nhau cố duy trì và nâng cao chất lượng bữa ăn, phục vụ tốt hơn cho bà con”.
Từ ngày bếp ăn ở Nhà thờ Phường 4 hoạt động, nhiều người lao động nghèo, khuyết tật đã rủ nhau đến đây. Tiếng cười nói, sự chan hòa giữa những người đồng cảnh ngộ khiến cho không khí bữa ăn thêm ấm cúng. Ông Phan Văn Hùng ở Phường 3, thành phố Vĩnh Long cho biết, bản thân bị khuyết tật ở chân, hàng ngày bán vé số nên thu nhập không bao nhiêu. Từ ngày có bếp ăn 5.000 đồng, buổi trưa, ông thường đến ăn để tiết kiệm chi phí, có dư thêm ít tiền để tích góp trang trải cuộc sống.
Theo Linh mục Trương Thanh Sơn, Cha sở Giáo xứ Phường 4, thành phố Vĩnh Long, nhận thấy còn nhiều người khuyết tật, bán vé số, người có hoàn cảnh khó khăn phải vất vả trang trải chi phí cho những phần cơm trưa, Nhà thờ thành lập bếp ăn với giá 5.000 đồng/phần nhằm giúp người dân có phần cơm trưa ngon, hợp vệ sinh và nhất là giảm bớt được chi phí. Qua phát động, bếp đã nhận được sự tham gia tích cực từ các người dân có đạo đóng góp công sức và chi phí để duy trì bếp ăn. Điều đáng quý là ngay cả những hộ dân khó khăn, khi được nơi nào tặng gạo đã cùng đóng góp để tiếp sức, giúp nhau có bữa ăn đủ đầy.
Cùng với các hoạt động từ thiện xã hội, đồng bào Công giáo và Tin Lành tích cực hưởng ứng phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, tích cực lao động sản xuất góp phần vào sự phát triển, ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại xã Chánh An, huyện Mang Thít có khoảng 600 giáo dân. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chánh An Đặng Trương Hoài Linh cho biết, họ đạo cùng với người dân ở địa phương tích cực tham gia cùng chính quyền thực hiện công tác an sinh xã hội, công trình phúc lợi như xây dựng đường giao thông nông thôn, cầu giao thông, đèn đường… Đồng bào có đạo đã đóng góp tiền của, ngày công thực hiện nhiều công tác an sinh xã hội, các công trình giao thông nông thôn, đóng góp cùng giữ vững, nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Có con đường mới khang trang ngay dịp Giáng sinh, người dân ấp Mỹ Chánh, xã Chánh An phấn khởi trước sự quan tâm của chính quyền và sự đoàn kết trong họ đạo. Từ con đường sình lầy, khó đi, bà con nơi đây tích cực đóng góp mở đường, đến nay con đường đã được nâng cấp thành đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 370m, rộng 2,5m. Điều phấn khởi hơn, đây là công trình của sự chung sức, chung lòng của chính quyền địa phương và người dân nơi đây. Đồng thuận với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân ở địa phương đã hiến đất, đóng góp ngày công hoàn thành con đường.
Ông Bùi Văn Sinh, xã Chánh An, huyện Mang Thít phấn khởi nói: “Khi có chủ trương làm con đường, bà con rất đồng thuận, chủ động dọn dẹp, giải phóng mặt bằng và đóng góp ngày công để thực hiện. Chỉ trong một ngày, bà con đã cùng nhau hoàn thành tuyến đường. Không khí làm việc rất sôi nổi, ai cũng phấn khởi vì khi hoàn thành con đường trở nên thông thoáng, đi lại và giao thương hàng hóa dễ dàng. Bà con bàn nhau xây bờ, trồng hoa ven đường để tạo cảnh quan con đường”.
*Đoàn kết xây dựng quê hương
Theo Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, đồng bào Công giáo và Tin Lành tỉnh Vĩnh Long đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện bác ái như tặng quà cho người nghèo, bếp ăn tình thương, cấp phát thuốc, khám bệnh và mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo… Hưởng ứng Cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động, trong năm 2023, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã đóng góp xây dựng và sửa chữa trên 35 căn nhà cho các gia đình nghèo với tổng số tiền 745 triệu đồng, vận động quyên góp trên 7 tỷ đồng để phục vụ cho lĩnh vực nhân đạo bác ái, đền ơn - đáp nghĩa. Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong các sinh hoạt đạo - đời, các phong trào toàn dân phòng ngừa tố giác tội phạm, giáo dục cảm hóa tại gia đình và cộng đồng dân cư, phong trào phòng chống tệ nạn xã hội... Đặc biệt, các cơ sở thờ tự của Công giáo và Tin Lành là những điểm sáng về bảo vệ môi trường và đời sống văn hóa để bà con tín đồ và nhân dân học tập làm theo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế, với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, đồng bào Công giáo và Tin lành trong tỉnh đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phát động; tích cực tham gia lao động sản xuất tại địa phương, góp phần vào sự phát triển, ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng bào Công giáo và Tin Lành đã thực hiện hiệu quả công tác bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục, mang tinh thần yêu thương, phục vụ đến với đồng bào, nhất là đối với những người yếu thế trong xã hội. Những hoạt động đó thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc và những giá trị tốt đẹp của đồng bào Công giáo và Tin lành; đúng với tinh thần “Phục vụ đồng bào mình cũng chính là phục vụ Thiên chúa”.
Ông Nguyễn Thành Thế khẳng định, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm, tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo sinh hoạt đảm bảo đúng quy định pháp luật, tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Tỉnh tin tưởng với vị trí, vai trò và uy tín của mình, các vị chức sắc, chức việc, linh mục, mục sư, tu sĩ sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc động viên đồng bào Công giáo, tín hữu tiếp tục tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đoàn kết lương giáo, cùng góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước./.