Hội thảo là dịp nghiên cứu, thống nhất ý kiến, xác định các hệ giá trị cần xây dựng để triển khai hiện thực hóa các giá trị trong thực tiễn, thông qua sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
TTXVN-Chiều 10/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; thực hiện các giá trị văn hóa, con người Thừa Thiên - Huế”.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh, hội thảo là dịp để nghiên cứu, thống nhất ý kiến, xác định các hệ giá trị cần xây dựng để triển khai hiện thực hóa các giá trị trong thực tiễn, thông qua sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân, nhằm lan tỏa, tạo sự thống nhất trong toàn xã hội. Đồng thời, khẳng định và thực hành các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời kỳ mới, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 30 bài tham luận từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Các tham luận và phát biểu tại hội thảo đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Đồng thời, các đại biểu đã phân tích thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu giúp Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách, nhằm quán triệt, triển khai thực hiện và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hệ giá trị trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm cho rằng, giá trị con người Việt Nam hiện nay dựa trên 3 trụ cột cơ bản: giá trị truyền thống, giá trị cách mạng từ sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, những giá trị của thời đại. Hệ giá trị người Việt gồm 9 tiêu chí: yêu nước; nhân nghĩa; lao động sáng tạo; dân chủ và công bằng; vì lợi ích chung và bản thân; tôn trọng luật pháp; tư duy khoa học; tôn trọng quyền con người; mở rộng giao lưu quốc tế. Những yếu tố này không ngừng tác động lẫn nhau và hình thành nên con người Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định, nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề hệ trọng, cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa việc triển khai thực hiện các hệ giá trị; cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của mỗi địa phương, đơn vị; gắn việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người phát triển toàn diện.
Đồng thời, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới; từng bước nghiên cứu, đưa vấn đề giáo dục giá trị trong triển khai nội dung giáo dục địa phương tại chương trình giáo dục phổ thông./.