Sau 10 năm, Tiền Giang có gần 96% hộ đạt Gia đình văn hóa; 100% ấp, khu phố văn hóa; 100% xã, phường đạt chuẩn văn hóa.
TTXVN - Ngày 4/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư khóa X về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tiếp tục quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, đưa Nghị quyết 33-NQ/TW vào đời sống, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Đặc biệt, Tỉnh ủy Tiền Giang tập trung triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhằm khơi dậy những giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần con người Tiền Giang, tạo nguồn nội sinh, động lực đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ngành, địa phương chủ động xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan phát triển văn hóa, con người vào chương trình, kế hoạch của đơn vị mình; quan tâm bồi dưỡng tri thức gắn với giáo dục thể chất, đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cũng như môi trường văn hóa...
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa, con người; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Tiền Giang đạt được nhiều kết quả tích cực: Toàn tỉnh có gần 96% hộ đạt Gia đình văn hóa; 100% ấp, khu phố văn hóa; 100% xã, phường đạt chuẩn văn hóa, tăng tương ứng 0,5%, 7,62% và 56,61% so với năm 2014. Tại Tiền Giang có 69 chợ văn hóa, 18 công viên văn hóa… Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng rộng rãi; người dân tham gia thể dục, thể thao rèn luyện thân thể tăng bình quân 7,98%/năm; số hộ gia đình tập luyện thể thao tăng bình quân 5,3%/năm.
Tỉnh hiện có 187 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa tại tỉnh được quan tâm, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đối với Chỉ thị 38-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ cao, mở rộng thêm các nhóm đối tượng khác. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, tăng chỉ số hấp dẫn của việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nhằm đạt các mục tiêu trên, Tiền Giang nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của tập thể và cá nhân ngành Bảo hiểm xã hội đối với truyền thông chính sách bảo hiểm y tế, nhất là đối với người đứng đầu. Các tập thể, cá nhân trong ngành cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo thí điểm, áp dụng hiệu quả các loại hình, mô hình truyền thông phù hợp tình hình địa phương, đồng thời mang lại hiệu quả cao.
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, đến 31/3/2024, toàn tỉnh có 1.683.691 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 94,03% dân số. Tiền Giang đang hướng tới lộ trình bảo hiểm y tế bắt buộc năm 2025 đạt 95% dân số trở lên.
Tại Hội nghị, nhiều bài học kinh nghiệm được các địa phương trong tỉnh đúc kết và áp dụng trong giai đoạn mới. Đáng chú ý là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần chủ động quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt, thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này; đẩy mạnh truyền thông chính sách về bảo hiểm y tế; coi trọng và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám định và thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh y tế…/.