Khoa học

Tìm giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Lò phản ứng hạt nhân tại Viện nghiên cứu hạt nhân.
 Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Phiên họp toàn thể lần thứ Nhất Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia đã được tổ chức ngày 21/8 tại Hà Nội. Đây là Phiên họp đầu tiên được tổ chức sau khi thành phần Hội đồng được kiện toàn theo Quyết định số 254/QĐ-HĐPTƯDNLNTQG ngày 29/2/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhiều ý kiến tại Phiên họp đã nêu phương hướng phân công các cơ quan liên quan triển khai các mảng công tác quan trọng như đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong Luật Năng lượng nguyên tử 2008 sửa đổi...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, thực tiễn cho thấy hoạt động nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, các kết quả này còn chưa tương xứng với tiềm năng, triển vọng và đòi hỏi của thực tiễn. Bước sang một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, khoa học và công nghệ nói chung và lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân nói riêng cần được đẩy mạnh hơn nữa để tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Vị trí của Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia vì thế càng trở nên quan trọng, đóng vai trò cốt yếu trong việc nghiên cứu, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái.
Ảnh: TTXVN phát

Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Vì vậy, tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý đối với hồ sơ dự thảo Quy hoạch; đưa ra các đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh trong Luật Năng lượng nguyên tử 2008 sửa đổi; cũng như đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm cho phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử; định hướng phát triển và triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử Việt Nam trong giai đoạn tới. 

Đánh giá về công tác xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng nguyên tử, Ủy viên thường trực của Hội đồng, cho biết, Quy hoạch tập trung vào việc hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước, khắc phục những thiếu sót, bất cập và hạn chế trong hoạt động quy hoạch thời kỳ trước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Đồng thời, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, đề ra định hướng và phương án phát triển các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; chú trọng hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện và phát triển mạng lưới các cơ sở y tế chuyên ngành điện quang, y học hạt nhân, ung bướu - xạ trị, phân bố hợp lý ở các vùng, địa phương; nâng cao hiệu quả, chất lượng khám, chữa bệnh trên cơ sở nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, hoàn thiện quản lý trong các cơ sở y học bức xạ, bảo đảm an toàn và bảo vệ chống bức xạ cho bệnh nhân, nhân viên y tế và môi trường./. 

PV

Xem thêm