Khoa học

Tìm giải pháp tăng trưởng doanh nghiệp thông qua công nghệ tiếp thị

MarTech hay còn gọi là công nghệ marketing, công nghệ tiếp thị, ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của mọi tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân chia sẻ tại Hội nghị (Ảnh: Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp)

TTXVN - Sáng 21/10, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Đại học Bách Khoa Hà Nội, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa BK Fund tổ chức Hội nghị “MarTech - Con đường tăng trưởng của doanh nghiệp”.

Đây là sự kiện thuộc nhiệm vụ "Hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam với quốc tế" trong khuôn khổ Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844).

MarTech hay còn gọi là công nghệ marketing, công nghệ tiếp thị, ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của mọi tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ tại Hội nghị, Tiến sỹ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đánh giá, doanh nghiệp hiện nay không thể thành công nếu không ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có chuyển đổi số được hay không phụ thuộc rất lớn vào chủ doanh nghiệp, từ khâu dành nguồn vốn cho chuyển đổi số đến tập hợp được nguồn nhân lực có hiểu biết về công nghệ số, từ đó tạo được nền tảng số cho hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, cần liên tục đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bởi nếu không cập nhật, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng bị tụt hậu với thời cuộc và không tồn tại được trên thị trường.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quân, để ứng dụng hiệu quả công nghệ MarTech, doanh nghiệp cần chú trọng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, từ đó lan tỏa nhu cầu của doanh nghiệp cũng như kêu gọi được chất xám, nguồn đầu tư từ xã hội, các viện nghiên cứu, trường đại học cho hoạt động nghiên cứu phát triển doanh nghiệp.

“Vấn đề sở hữu trí tuệ rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp Việt Nam còn khó khăn. Quản lý sở hữu trí tuệ được phân công cho nhiều bộ, ngành tham gia. Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam rất lúng túng, không biết làm việc với cơ quan nào để được đăng ký bảo hộ sản phẩm trí tuệ”, Tiến sỹ Nguyễn Quân nhận định.

Bàn về con đường tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua thương hiệu, ông Bùi Quý Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam cho rằng, để tăng trưởng bền vững, so với doanh số, thị phần hay giá trị tài sản doanh nghiệp, tăng trưởng bằng con đường thương hiệu là tối ưu nhất. Thương hiệu có tính đặc trưng sẽ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, khiến họ cân nhắc hoặc nghĩ tới khi có nhu cầu mua hàng, nhớ đến thương hiệu ở nhiều thời điểm nhất có thể. Do đó, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu của mình trên thương trường. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đúng đắn về thương hiệu, dẫn đến việc thương hiệu chưa được tiếp cận rộng rãi với khách hàng. MarTech chính là một trong những công cụ hữu hiệu để giúp doanh nghiệp cải thiện chất lượng thương hiệu.

Chia sẻ về kinh nghiệm của việc bảo vệ dữ liệu công nghệ kỹ thuật số ở thị trường phương Tây, ông Csaba Bundik, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Trung và Đông Âu tại Việt Nam cho biết, ưu điểm doanh nghiệp Việt Nam là tiếp nhận rất nhanh công nghệ hiện đại, từ trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái, điện toán đám mây, thương mại điện tử… Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt đang thiếu kiến thức và những quy tắc vận hành của thị trường châu Âu. Ông Csaba Bundik lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng những yếu tố bảo mật về dữ liệu khách hàng nhằm tạo sự tin tưởng và uy tín với họ.

Nêu một số lưu ý trong hoạt động bảo hộ dữ liệu khách hàng trong MarTech, Luật sư Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cho biết: Trong chính sách pháp luật Việt Nam hiện nay như Bộ luật Dân sư 2015; Bộ luật Hình sự 2015; Nghị định 64/2007 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan chính phủ; Nghị định 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số cô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử…, có nhiều điều khoản quy định về hành vi vi phạm và chế tài xử phạt. Do đó, việc bảo hộ dữ liệu khách hàng trong MarTech hiện nay cần được đặc biệt chú trọng nhằm tránh những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ cùng một số đối tác đã ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam với quốc tế./.

Thu Phương

Xem thêm