Năm 2023, thành phố Hải Phòng sẽ dành khoảng 40 tỷ đồng chi cho hoạt động nghiên cứu xử lý bã thải gyps để trở thành tài nguyên như vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
TTXVN - Ngày 3/3, Bộ Xây dựng và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đồng chủ trì tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp xử lý, tiêu thụ bã gyps tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP – Vinachem, Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng".
Tại hội thảo, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết cả nước hiện có 30 nhà máy nhiệt điện đốt than, 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP đang hoạt động. Lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước bình quân khoảng 16 triệu tấn, lượng bã thải gyps (bã thải thạch cao phát thải do quá trình sản xuất phân bón, hóa chất) khoảng 1,3 triệu tấn.
Hiện nay, lượng tro, xỉ nhiệt điện đã được xử lý, tiêu thụ đáng kể, song lượng xử lý và tiêu thụ bã thải gyps vẫn chưa như kỳ vọng. Ước tính lượng tồn trữ bã thải thạch cao đến cuối năm 2022 tại 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP là khoảng 12,7 triệu tấn, trong đó tại DAP Đình Vũ là khoảng 3,5 triệu tấn. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh xử lý, tiêu thụ bã thải gyps đang là vấn đề cấp bách.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, theo định hướng phát triển của Bộ Chính trị và của thành phố Hải Phòng, khu vực Đình Vũ- Cát Hải phải trở thành động lực và là khu vực phát triển công nghiệp, logistics của miền Bắc và cả nước. Khu vực này còn có cảng nước sâu Lạch Huyện. Vì vậy, việc tồn tại của bãi thải gyps không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề môi trường, giao thông, mà còn tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư tại khu vực này.
Ông Lê Trung Kiên mong muốn, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp sẽ dành tâm sức để tiếp tục nghiên cứu, biến bã thải gyps trở thành tài nguyên, giải quyết vấn đề môi trường không chỉ của Hải Phòng, mà cho các địa phương khác, hướng tới mục tiêu thực thi hiệu quả những chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và môi trường sống của nhân dân.
Năm 2023, thành phố Hải Phòng sẽ dành khoảng 40 tỷ đồng chi cho hoạt động nghiên cứu xử lý bã thải gyps để trở thành tài nguyên như vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các nội dung như thực trạng phát thải bã gyps tại Việt Nam, cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về xử lý, sử dụng thạch cao phospho; quá trình nghiên cứu, sử dụng thạch cao nhân tạo tái chế từ bã gyps; nghiên cứu sử dụng bã thải thạch cao của nhà máy DAP trong xây dựng đường giao thông.
Theo Ban Tổ chức, hiện đã có một số dự án sản xuất thạch cao sử dụng nguyên liệu từ bã gyps là dự án chế biến bã thải thạch cao, các sản phẩm từ thạch cao của Công ty Cổ phần Thạch cao Đình Vũ và Dự án Nhà máy sản xuất thạch cao nhân tạo của Công ty Cổ phần Đầu tư Trường An. Đến nay, lượng chất thải gyps phát sinh hàng ngày cơ bản đã được xử lý, tiêu thụ.
Tuy nhiên, bãi thải tồn đọng từ những năm trước với khoảng 3,5 triệu tấn chưa được xử lý do gặp khó khăn như chưa có tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật để ứng dụng các sản phẩm làm vật liệu xây dựng và ứng dụng vào các công trình xây dựng, trong khi thực tế một số dự án lớn của Hải Phòng rất cần nguồn vật liệu san lấp được xử lý từ bã gyps. Nếu các cơ quan chức năng thông qua phương án xử lý, bãi gyps tại nhà máy sản xuất phân bón DAP-Vinachem Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng, sẽ được giải phóng chỉ trong vòng 1 năm./.
- Từ khóa:
- Hải Phòng
- xử lý bã thải
- môi trường