Phát triển sản phẩm du lịch chuyên đề giúp doanh nghiệp có hướng kinh doanh riêng và ngành du lịch tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế.
TTXVN - Nhu cầu du lịch của người dân ngày càng đa dạng, ngoài các tour phổ thông, nhiều người tìm đến với các sản phẩm chuyên đề theo chủ đề hẹp hơn. Các đơn vị lữ hành đã nhanh chóng chào bán sản phẩm mới, đặc sắc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách. Mặt khác, các đơn vị vẫn phải nỗ lực nhiều để phát triển bền vững sản phẩm này.
* Nỗ lực sáng tạo tour chuyên sâu hấp dẫn
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt tour tham quan chuyên đề “Tranh sơn mài Việt Nam” và nhanh chóng thu hút đông đảo du khách.
Chia sẻ về tour này, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết: Bảo tàng sẽ hoàn thiện nhiều tour chuyên sâu, hoạt động trải nghiệm đa dạng để thu hút du khách, đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng. Điều đáng mừng là vài năm gần đây, lượng khách tham nội địa đã tăng lên 80% (trong đó hơn 60% là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên các trường đại học), nhiều hơn khách quốc tế.
Đến với tour tại Bảo tàng, du khách được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm sơn mài nổi tiếng, tìm hiểu lịch sử phát triển dòng tranh này qua bộ sưu tập tác phẩm của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm…cùng các tác phẩm là Bảo vật quốc gia.
Bảo tàng giới thiệu ngắn gọn lịch sử phát triển của nghề sơn (phim, hiện vật cổ) và sơn mài ở thời cận, hiện đại, đương đại. Qua các tác phẩm nổi tiếng, du khách sẽ có cái nhìn khái quát về tranh sơn mài qua các giai đoạn phát triển. Đặc biệt, du khách được tìm hiểu quy trình làm tranh sơn mài, trực tiếp trải nghiệm một công đoạn của quá trình sáng tác, mang về sản phẩm chính tay mình làm ra. Đây cũng là món quà độc đáo mà Bảo tàng muốn dành cho du khách.
Bảo tàng Văn học Việt Nam từ cuối năm 2022 đã tổ chức tour du lịch văn học độc đáo, ý nghĩa với tên gọi học “Chữ Tâm, Chữ Tài” nhằm lan tỏa vẻ đẹp văn học đến công chúng với cách tiếp cận mới. Tên gọi của tour lấy cảm hứng từ câu thơ “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho biết: Bảo tàng lưu giữ kỷ vật, tác phẩm, câu chuyện đặc biệt, quý giá của nhiều thế hệ nhà văn, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Những người yêu văn học luôn muốn lan tỏa rộng rãi các giá trị đó đến với công chúng, nhất là thế hệ trẻ theo một cách tiếp cận mới mẻ, hấp dẫn. Quan trọng hơn là biến Bảo tàng thành địa chỉ quen thuộc của những người yêu văn chương và du khách.
Vào mỗi cuối tuần, tour này đều mở cửa đón khách, trải nghiệm hành trình tìm hiểu về danh nhân văn hóa của Việt Nam từ văn học cổ - trung đại tới nay thông qua các trải nghiệm. Đó là khu vườn tượng 20 danh nhân văn học; gánh Tâm gánh Tài vào cửa “Ngôi đền văn chương Việt Nam”; chữ viết lưu truyền qua thơ văn; các bản tuyên ngôn độc lập “Nam quốc Sơn Hà”; “Bình Ngô đại cáo”; không gian về Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều; Bác Hồ và tác giả thơ hay nhất về Bác; cặp vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh…Toàn bộ tour diễn ra trong khoảng 90 phút.
Nhiều đơn vị lữ hành đã sớm xây dựng tour chuyên đề đặc biệt, phục vụ nhóm khách hàng nhất định.
Ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc WonderTour chia sẻ, Công ty đã có chùm tour chuyên đề dành cho khối trường học với tour trải nghiệm, dã ngoại cho học sinh tiểu học; tour kỹ năng cho khối trung học; tour hướng nghiệp dành cho học sinh phổ thông; tour trải nghiệm nghề nghiệp dành cho sinh viên. Cùng với đó là tour chuyên đề dành cho những người có tôn giáo, khối doanh nghiệp... Bên cạnh đó, đơn vị còn cung cấp tour thể thao tham gia giải chạy “Gyeongju Marathon mùa hoa Anh đào”, giải Thể thao điện tử (E-sports) tại Hàn Quốc; tour tới các hội chợ quốc tế, tour chăm sóc sức khỏe…
Ông Lê Công Năng thông tin, du lịch chuyên đề chính là nét riêng để du khách nhớ đến. Chúng ta có thể chưa cạnh tranh được mạnh về du lịch y tế như các quốc gia tiên tiến, nhưng có thể tạo ra các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe độc đáo kết hợp du lịch khám phá dựa vào lợi thế tự nhiên, văn hóa dân tộc đặc sắc. Từ y học cổ truyền, nguồn khoáng nóng tự nhiên, công thức chăm sóc sức khỏe truyền thống của đồng bào vùng cao, các đơn vị lữ hành đều có thể khai thác, đưa vào làm nguyên liệu cho sản phẩm du lịch này chuyên đề.
Nhiều đơn vị còn triển khai tour dành riêng cho người cao tuổi; cựu chiến binh thăm chiến trường xưa; chị em phụ nữ; nông dân, công nhân…
* Tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt
Theo tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), du lịch chuyên đề về bản chất là các hoạt động du hành đến địa điểm nổi tiếng, có nhiều cảnh đẹp nhằm thỏa mãn nhu cầu thư giãn tinh thần của du khách. Cùng với tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm tại điểm đến, du khách còn nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn các giá trị cốt lõi về văn hóa, con người và thiên nhiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển sản phẩm du lịch chuyên đề giúp doanh nghiệp có hướng kinh doanh riêng, đây cũng là “chất dẫn” để ngành du lịch khai thác, tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế.
Theo ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc WonderTour, hơn 4.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cạnh tranh, tìm chỗ đứng thì việc tìm ra “ngách” để có thị phần là bài toán sinh tồn. Do đó, tìm ra sản phẩm chuyên đề đặc trưng, hấp dẫn của đơn vị là hướng đi đúng đắn.
Du lịch chuyên đề cũng là chất liệu để ngành Du lịch thiết kế sản phẩm quốc gia, tạo lợi thế cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc tế. Ngoài lợi thế đa dạng văn hóa, Việt Nam còn được biết đến như là một trung tâm đa dạng sinh học của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên, phong phú, đa dạng gồm hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, biển, núi đá vôi, gò đồi, cát ven biển… Do đó, các đơn vị có thể xây dựng sản phẩm chuyên đề thể thao độc đáo từ mặt đất đến mặt nước, thậm chí cả trên không. Khu vực Tây Bắc có thể tổ chức các giải chạy, đạp xe, caravan xuyên rừng hoa đào, hoa mơ, hoa mận, còn những thành phố biển sẽ có tổ hợp hoạt động vui chơi, thể thao như lặn biển, đua thuyền, dù lượn…Một số nơi có thể làm tour chuyên đề điện ảnh như Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long, Hà Giang…
Tuy vậy, tour chuyên đề vẫn đang “lép vế” so với các sản phẩm phổ thông do những khó khăn về thiết kế và khai thác. Muốn có sản phẩm chuyên đề hấp dẫn, rất cần nhân sự nắm vững chuyên môn để thiết kế các trải nghiệm chuyên sâu. Sẽ không thể làm tốt tour cho học sinh nếu không hiểu tâm lý tuổi học trò. Mặt khác, tour này vẫn phải dựa vào lợi thế, tài nguyên có sẵn ở điểm đến cùng những điều kiện khác. Do đó, lữ hành cần phối hợp với các đơn vị chuyên môn khác để nghiên cứu, triển khai tour phù hợp.
Ông Lê Công Năng chia sẻ, Tour chuyên đề chỉ dành cho nhóm khách hàng nhất định nên việc truyền thông, marketing khác biệt. Thông thường mỗi đơn vị lữ hành chỉ nên chọn một đối tượng khách hàng tiềm năng nhất để thiết kế tour chuyên đề. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm tour chuyên đề phục vụ chủ yếu khách trong nước mà chưa có chuyên đề cho khách quốc tế.
Du lịch chuyên đề nếu được khai thác phù hợp sẽ mang lại hiệu quả tích cực, đóng góp to lớn vào sự bền vững của du lịch nước ta. Để thực hiện các tour chuyên đề hấp dẫn, thu hút du khách trong nước, quốc tế, cần sự phối hợp, hỗ trợ, định hướng từ ngành, đặc biệt là sự đoàn kết, hợp tác của đơn vị lữ hành./.