575 hộ dân nghèo ở huyện Cầu Ngang đã được lắp đặt hệ thống chứa nước mưa, xử lý nước mưa hoặc được kết nối với mạng lưới cấp nước sạch.
TTXVN - Chiều 27/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Trà Vinh) tổ chức tổng kết Dự án “Hỗ trợ cộng đồng ứng phó hạn hán” giai đoạn II (2022-2023).
Đây là dự án do Tổ chức Samaritan’s Purse International Relief (SPIR- tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ) tài trợ, thực hiện từ năm 2021, với tổng số tiền giải ngân đến nay là trên 3,27 tỷ đồng. Dự án nhằm nâng cao khả năng chống chịu hạn hán và cơ hội tiếp cận nước sạch cho người dân huyện Cầu Ngang, nơi dễ bị tổn thương do hạn hán, mặn xâm nhập.
Giai đoạn I của dự án (4/2021-3/2022) do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) thực hiện với tổng số tiền giải ngân gần 1,67 tỷ đồng. Theo đó, 575 hộ dân nghèo ở huyện Cầu Ngang đã được lắp đặt hệ thống chứa nước mưa, xử lý nước mưa hoặc được kết nối với mạng lưới cấp nước sạch. Người dân trên địa bàn huyện được tham gia tập huấn nâng cao nhận thức về vệ sinh, nước sạch, cách phòng ngừa, ứng phó rủi ro thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn…
Giai đoạn II của dự án (từ 4/2022-3/2023) do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (Sở Y tế tỉnh Trà Vinh) thực hiện. Cùng với việc hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn nước sạch, giai đoạn này, dự án nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, vệ sinh phụ nữ, thay đổi hành vi về vệ sinh, thói quen sinh hoạt, nhận thức về bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp…
Kết quả, giai đoạn II dự án đã hỗ trợ 370 hộ dân ở huyện Cầu Ngang được lắp nối với mạng lưới cấp nước sạch, xây dựng 100 nhà vệ sinh kết hợp nhà tắm cho các gia đình khó khăn. Đồng thời, 45 cán bộ ấp và khoảng 1.200 người dân được truyền thông về vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ; 23 cán bộ y tế và gần 1.200 phụ nữ được tư vấn sức khỏe sinh sản, vệ sinh phụ nữ...
Ông Nguyễn Hóa Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Trà Vinh cho biết, nguồn nước bề mặt của huyện Cầu Ngang chủ yếu được cung cấp từ sông Cổ Chiên, Thâu Râu, Vinh Kim và nguồn nước mưa. Vào mùa khô, nước mặn từ biển xâm nhập sâu làm nhiễm mặn khu vực cửa sông, khiến địa phương thường xuyên gặp khó khăn do thiếu nước ngọt trong sinh hoạt và sản xuất.
Bên cạnh đó, một số gia đình còn khó khăn, nhận thức hạn chế nên sinh hoạt theo thói quen, vệ sinh không đảm bảo dẫn đến xảy ra các bệnh về tiêu hóa, da liễu, phụ khoa và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Các hoạt động thuộc giai đoạn II của dự án đã cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng truyền thông cho cán bộ xã, ấp, y tế, cộng tác viên về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hướng dẫn vệ sinh đúng cách, thay đổi hành vi vệ sinh tổng thể của người dân./.