Hội nhập

Trại hè Việt Nam 2025: Tuổi trẻ kiều bào viết tiếp câu chuyện hòa bình

TP. Hồ Chí Minh

Tại Trại hè Việt Nam 2025, các thanh niên kiều bào được tham gia các hoạt động trải dài suốt ba miền Bắc - Trung- Nam của đất nước, không chỉ được trải nghiệm lịch sử, văn hóa, xã hội mà còn trực tiếp kể lại câu chuyện, góc nhìn, sự cảm nhận của bản thân khi đi qua từng vùng, miền của đất nước qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc với thanh niên và người dân trong nước.

Các đại biểu thanh thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2025 tham quan Bến Nhà Rồng, Thành phố Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Ngày 14/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, “Trại hè Việt Nam 2025” với chủ đề “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức cho các đại biểu đại diện thế hệ trẻ kiều bào bước vào ngày hoạt động đầu tiên, khởi đầu cho chuỗi sự kiện phong phú, trải dài tại nhiều địa phương của đất nước.

Trong ngày đầu tiên của Trại hè Việt Nam 2025, các trại sinh gồm hơn 100 đại biểu là thanh niên, sinh viên người Việt Nam ở nước ngoài đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham quan Bến cảng Nhà Rồng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước vào năm 1911; dâng hoa, dâng hương Tượng đài Bác tại Bến Nhà Rồng; tham quan Hội trường Thống Nhất với Dinh Độc Lập - nơi ghi dấu mốc thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Các trại sinh cũng tham gia chương trình về nguồn tại Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, nơi mệnh danh là “Đất thép thành đồng”, một di tích lịch sử đặc biệt, là biểu tượng của lòng yêu nước, trí tuệ và ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Các đại biểu thanh thiếu niên kiều bào tham quan xe tăng 843 đặt tại khuôn viên Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Bà Ngô Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn Trại hè Việt Nam 2025 cho biết, chủ đề “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình” của Trại hè Việt Nam 2025 là một lời kêu gọi, mời gọi thế hệ trẻ kiều bào chung tay để lan tỏa những giá trị của dân tộc về hòa bình, nhân ái, bao dung và khát vọng phát triển. Đó còn là truyền thống, sự kế thừa các thế hệ cha anh đã đi trước, hy sinh gian khổ giành được độc lập, tự do cho dân tộc và phát triển đất nước. Ban Tổ chức Trại hè lựa chọn điểm đầu tiên của chuỗi các sự kiện là Thành phố Hồ Chí Minh, với những di tích lịch sử, để các trại sinh thấy được lịch sử hào hùng của dân tộc.

Các đại biểu thanh thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2025 nghe giới thiệu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Tại Trại hè Việt Nam 2025, các thanh niên kiều bào được tham gia các hoạt động trải dài suốt ba miền Bắc - Trung- Nam của đất nước, không chỉ được trải nghiệm lịch sử, văn hóa, xã hội mà còn trực tiếp kể lại câu chuyện, góc nhìn, sự cảm nhận của bản thân khi đi qua từng vùng, miền của đất nước qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc với thanh niên và người dân trong nước.

Một trong những điểm nhấn của chương trình là hoạt động giao lưu của các trại sinh với Cục Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, với mong muốn các thanh niên kiều bào cảm nhận, hiểu về đất nước quê hương Việt Nam không chỉ dũng cảm chiến đấu, hy sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc, nỗ lực vươn lên để phát triển đất nước, mà còn có trách nhiệm với hòa bình thế giới.

Chương trình Trại hè Việt Nam 2025 diễn ra từ ngày 13 đến 26/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghệ An, Ninh Bình và Hà Nội. Lễ khai mạc chính thức được tổ chức vào tối 16/7 tại Đắk Lắk, lễ bế mạc dự kiến diễn ra tối 25/7 tại Hà Nội.

Bạn Vilatda Moungkhousin (Việt kiều Lào) cùng các bạn trại sinh nghe giới thiệu về Dinh Độc Lập trong khu di tích Hội trường Thống Nhất.
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Chương trình bao gồm các hoạt động giáo dục truyền thống như thăm Địa đạo Củ Chi, Khu di tích Ngục Kon Tum, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Quảng Trị…; hoạt động từ thiện, hỗ trợ người dân tộc thiểu số tại một số tỉnh Tây Nguyên; giao lưu, tìm hiểu văn hóa cồng chiêng; các hoạt động kết nối giữa các trại sinh trong nội bộ Trại hè; giao lưu Tiếng Việt và giao lưu với cán bộ, chiến sỹ Cục Gìn giữ hòa bình - Bộ Quốc phòng... Các trại sinh cũng sẽ tham quan các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa tại các địa phương như Nhà rông Kon K’lor, Khu di tích Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Phong Nha - Kẻ Bàng….

Trại hè Việt Nam dành cho thanh thiếu niên kiều bào do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức thường niên kể từ năm 2004 (trừ 2 năm gián đoạn do COVID-19). Trại hè là sân chơi để thế hệ trẻ kiều bào tìm hiểu về quê hương, đất nước, kết nối, tăng cường tình đoàn kết với nhau và với thế hệ trẻ trong nước; giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, góp phần khơi gợi tình yêu Tổ quốc, vận động thế hệ trẻ kiều bào hướng về quê hương, đất nước./.

Nguyễn Xuân Khu

Xem thêm