Văn hóa

Trân trọng quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp

Hà Nội

Trưng bày giới thiệu cuộc sống của các phi công Mỹ trong Trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình; câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm.

Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” được thể hiện qua 3 nội dung: Khúc ca chiến thắng, Dòng ký ức và Chung tay hàn gắn. (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN)

TTXVN – Nhân dịp kỷ niệm 51 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2023), kỷ niệm 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973 - 2023), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến”, từ ngày 6/12- 30/6/2024.

Đến thăm quan Trưng bày, công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược bằng Không quân và Hải quân của đế quốc Mỹ khi leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của quân, dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vượt qua mất mát, đau thương, làm nên Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” được thể hiện qua 3 nội dung: Khúc ca chiến thắng, Dòng ký ức và Chung tay hàn gắn. Trưng bày giới thiệu cuộc sống của các phi công Mỹ trong Trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình, câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm (1973 - 2023). Những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu chiến tranh cùng với sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động ngoại giao nhân dân, đặc biệt là các cựu chiến binh đã góp phần nối lại quan hệ giữa hai nước.

Ngày 16/6/1968, Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber bắt đầu tham chiến tại Đông Nam Á, cùng đồng nghiệp lái máy bay F4J Phantom II ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Chiếc máy bay bị phi công Đinh Tôn, lái máy bay MiG21 bắn rơi tại Đô Lương (Nghệ An). Người đồng đội tử nạn, còn Walter Eugene Wilber nhảy dù, rơi xuống cánh đồng xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông bị bắt và chuyển về Trại giam Hỏa Lò. Ngày 12/2/1973, Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber được trao trả tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Trong thời gian bị giam ở Hà Nội, Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber đã viết thư gửi con trai nhân dịp Giáng sinh năm 1970.

Du khách quốc tế tham quan trưng bày. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ban Tổ chức đã bố trí một khu vực nhỏ tại buổi trưng bày giới thiệu về quá trình tham gia cuộc chiến của Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber, hình ảnh chân dung của ông, hình ảnh về cuộc phỏng vấn của ông với các nhà báo quốc tế, hình ảnh ông chụp cùng con trai và chiếc bình hoa làm từ mảnh xác máy bay F4J Phantom II do ông điều khiển bị bắn rơi, đặc biệt là bức thư của ông gửi con trai dịp Giáng sinh năm 1970. Bức thư được đọc, thu âm và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp Giáng sinh năm 1970.

Ông Thomas Eugene Wilber, con trai của cựu Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber tham gia trưng bày cho biết, bức thư này cha ông viết dịp sinh nhật anh trai ông 17 tuổi. Khi sinh nhật ông năm 15 tuổi, cha ông cũng viết một bức thư tương tự. Được ngắm nhìn lại bức thư của cha, dòng ký ức ùa về như những ngày đầu nhận được. Tại Nhà tù Hỏa Lò, cha ông đã đọc, thu âm để phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và phát trên toàn thế giới. Đó là lý do ông và gia đình nghe được tiếng của cha trên Đài. Khi đó, cả gia đình đều xúc động, bởi 2 năm kể từ khi cha ông tham gia cuộc chiến, gia đình đã không được nghe giọng cha. Giọng đọc ấm áp, đầy nghị lực của cha đã làm trái tim ông rung động. Ông nói mình vẫn khỏe nên dù ông bị tạm giam ở Nhà tù Hỏa Lò nhưng gia đình không lo lắng gì cho cha cả.

Ông Thomas Eugene Wilber bày tỏ cảm ơn với sự đối xử nhân đạo của Chính phủ Việt Nam và nhân dân Việt Nam dành cho các phi công bị tạm giam ở đây và chia sẻ, dù cha ông bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò khá lâu nhưng khi trở về rất an toàn, sức khỏe ổn định. Cha ông cho biết, hằng ngày đều được cung cấp đầy đủ thức ăn, sữa nóng, đồ dùng cá nhân và được chăm sóc về y tế.

Mỗi lần đến Việt Nam, ông Thomas Eugene Wilber đều đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ông cảm giác Di tích rất thân thuộc và coi như ngôi nhà thứ hai của mình. Năm 2014, lần đầu tiên ông đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên biết đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Lúc đó, ông cảm nhận được sự ấm áp, tình cảm của người dân Việt Nam đối với người nước ngoài, trong đó có những người lính Mỹ và cả thế hệ con cháu của họ. Ông càng xúc động hơn khi tìm hiểu hiểu, so sánh về điều kiện sống tại đây, nhất là khoảng thời gian cha ông ở qua 9 năm so với thời gian các cựu tù Việt Nam trải qua từ thời Pháp. Sự khác biệt giúp ông càng trân trọng hơn những gì Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho những người lính như cha ông./.

Đinh Thuận

Xem thêm