Xã hội

Trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” với sản phẩm “quả dừa sáp

Trà Vinh

Festival là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh nhằm tôn vinh, quảng bá loại trái cây đặc sản của tỉnh.

Sự kiện gắn với Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè là cơ hội để tỉnh giới thiệu tín ngưỡng thờ ông Bổn của cộng đồng người Hoa ở địa phương. Đây là lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tháng 8/2012, dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh chính thức được đưa vào danh sách là 1 trong 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam (theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam). Ngày 5/8/2024, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã công nhận “Cây dừa sáp được trồng tại tỉnh Trà Vinh là Cây dừa Việt Nam”.

Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” với sản phẩm “quả dừa sáp” cho lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh.
Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Tại lễ khai mạc Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè diễn ra tối 25/8, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” với sản phẩm “quả dừa sáp”

Festival 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè diễn ra liên tục trong 7 ngày, từ ngày 25- 31/8 (nhằm ngày 22-28/7 Âm lịch) với 12 hoạt động chính; trong đó có các hoạt động nổi bật như: Hội thảo về cây dừa sáp, Trưng bày các sản phẩm đặc sản trái ngon của tỉnh Trà Vinh, Hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp, Hội chợ Thương mại, Liên hoan Lân sư rồng, các hoạt động tín ngưỡng thờ Ông Bổn của đồng bào dân tộc Hoa ở địa phương...

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND Lê Văn Hẳn cho biết, Festival là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh nhằm tôn vinh, quảng bá loại trái cây đặc sản của tỉnh. Qua đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa sáp, thắt chặt liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến sâu đến thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu, đưa thương hiệu dừa sáp Trà Vinh vươn xa.

Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè cũng là dịp để tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản và du lịch; tạo điều kiện các tỉnh, thành giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, liên kết, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với các địa phương; giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư của Trà Vinh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Một tiết mục nghệ thuật trong đêm Khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh
Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Dừa sáp là trái cây đặc sản của tỉnh Trà Vinh, được trồng lần đầu tiên ở huyện Cầu Kè cách đây 100 năm do một vị hòa thượng mang giống từ nước ngoài về. Bên ngoài trái dừa sáp giống như những trái dừa thường nhưng điểm đặc biệt là bên trong cơm rất dày, mềm, béo, dẻo và gần như đặc ruột, cùng với một ít nước sệt quánh nhẹ. Ban đầu, cây dừa sáp chủ yếu được vài hộ dân ở địa phương trồng ăn trong gia đình hoặc làm quà biếu. Nhờ hương vị độc đáo nên người dân truyền tai nhau, ngày càng có nhiều người mong muốn được thưởng thức loại trái cây đặc biệt này.

Đến đầu những năm 2000, dừa sáp trở thành một trong những loại quả có giá đắt nhất Việt Nam, cao gấp 10-20 lần quả dừa thường, đứng ở “ngôi vị” cao nhất trong các loại đặc sản của tỉnh. Trà Vinh trở thành “thủ phủ dừa sáp” của cả nước bởi loài dừa này rất kén thổ nhưỡng và hiếm quả, rất khó cho quả sáp ở những vùng đất khác.

Hiện nay, dừa sáp là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất, chiếm diện tích lớn ở huyện Cầu Kè, vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Cầu Kè hiện có hơn 171.400 cây dừa sáp, được trồng trên diện tích 1.145 ha, với sản lượng trung bình hàng năm trên 3 triệu quả. Với giá bán cao hơn nhiều lần so với dừa thường nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân, cải thiện đáng kể thu nhập của hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp huyện Cầu Kè; trong đó, hộ Khmer chiếm trên 70%./.

PV

Xem thêm