Văn hóa

Tri ân đóng góp của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong lịch sử dân tộc

Thái Bình

Với tài năng chính trị và quân sự kiệt xuất, với tấm lòng tận trung với nước, Quốc công Tiết chế đã cùng với quân dân nhà Trần bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, đưa nước Đại Việt đạt đến đỉnh cao của nền thịnh trị thời phong kiến.

Quang cảnh lễ dâng hương tưởng niệm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

TTXVN - Ngày 4/10, UBND huyện Quỳnh Phụ, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình, đền, bến Tượng A Sào và Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, Hội đồng họ Trần tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 723 năm Ngày hóa của Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (ngày 20/8 âm lịch).

Tại các điểm tưởng niệm, nhiều hoạt động đã diễn ra: múa rồng, múa lân sư; báo cáo tri ân công lao Đức Thánh Trần; dâng chúc văn; nghi thức nổi trống, chiêng; dâng hoa, dâng hương; tổ chức hầu, tế...

Theo Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào, Khu di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 2011. Đây là địa danh gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Làng A Sào là một địa danh cổ nổi tiếng từ thời Lý. Vào thời Trần, làng A Sào trở thành thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu - thân phụ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Năm 1.258, khi quân dân nhà Trần tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn được phong tước Thượng Vị Hầu và được triều đình giao về trấn thủ vùng đất A Sào.

Tại đây, Thượng Vị Hầu Trần Quốc Tuấn đã xây dựng vùng đất A Sào và các làng hai bên bờ sông Hóa thành phòng tuyến quân sự với một đội quân hùng hậu và hệ thống kho tàng tích trữ nhiều binh lương cung cấp cho quân đội nhà Trần.

Khi quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai, Thượng Vị Hầu Trần Quốc Tuấn được phong làm Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương thống lĩnh quân đội đánh đuổi quân Nguyên - Mông ra khỏi biên giới. Khi quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ ba, Ngài đã khẳng định với vua Trần: “Năm nay đánh giặc nhàn”, rồi cho đóng cọc trên sông Bạch Đằng, đánh một trận thủy chiến khiến quân giặc đại bại, phải từ bỏ tham vọng thôn tính Đại Việt.

Năm 1.288, trong một lần dẫn binh từ vùng đất A Sào vượt qua sông Hóa đi đánh giặc, voi chiến của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn không may bị sa lầy... Hưng Đạo Đại vương đã tuốt gươm chỉ xuống dòng sông thề: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này”.

Kháng chiến thành công, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được phong là Đại vương. Nhân dân A Sào đã xây sinh từ - đền A Sào để thờ sống Hưng Đạo Đại Vương, đắp mộ cho voi chiến, lập miếu và tạc tượng thờ voi, bến sông A Sào từ đó mang tên là Bến Tượng...

Quang cảnh lễ dâng hương tưởng niệm. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Theo Ban Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, Long Hưng xưa - Hưng Hà ngày nay, là tôn miếu khởi nghiệp và dựng nghiệp của Vương triều Trần. Lịch sử đất nước và con người Việt Nam ghi nhận, vương triều nhà Trần đã sinh ra các vị vua anh minh, tuấn kiệt như Vua Trần Thái Tông, Vua Trần Thánh Tông, Vua Trần Nhân Tông cùng các tướng soái tài ba như Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn…, gắn liền với các chiến thắng lẫy lừng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Mảnh đất Tam Đường nay linh thiêng bởi chính là nơi lưu giữ hài cốt của các bậc tổ tông triều Trần.

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu Vua Trần Thái Tông. Ngài vốn thông minh, văn võ song toàn, chí biết dẹp thù nhà, thân biết đoàn kết anh em dòng tộc, cùng lo toan việc nước. Ngài nghiên cứu binh thư, biết dùng người hiền tài. Ngài được tôn vinh là một trong 10 danh tướng tài ba của thế giới. Ở nơi Ngài hội đủ các đức tính: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Tín. Cả ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên, ngài đã lập nhiều chiến công to lớn.

Trên vùng đất này, vào năm 1.285, Ngài đã cùng với các Vua Trần chỉ huy lực lượng quân đội tấn công đồn Đại Mang, mở đầu chiến dịch phản công giải phóng kinh thành Thăng Long... Năm 1.300, trước lúc lâm chung, Ngài còn dâng vua Trần Anh Tông kế sách giữ nước rằng: "Phải khoan thư sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".

Với tài năng chính trị và quân sự kiệt xuất, với tấm lòng tận trung với nước, Quốc công Tiết chế đã cùng với quân dân nhà Trần bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, đưa nước Đại Việt đạt đến đỉnh cao của nền thịnh trị thời phong kiến và có uy tín lớn trong vùng. Công lao to lớn này đã đưa Ngài lên hàng một thiên tài kiệt xuất, một anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại.

723 năm đã qua, các thế hệ nhân dân phủ Long Hưng xưa, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vẫn ngày ngày hương khói, kính cẩn bái yết và tri ân các vị Hoàng đế anh minh của triều Trần, các vị anh hùng của dân tộc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", cầu cho Quốc thái - Dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.../.

Sơn Hải

Xem thêm