Sa Đéc trở thành địa phương sản xuất bột, cung ứng nguyên liệu phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân rộng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
(TTXVN) Tưởng nhớ công ơn của các thế hệ đi trước đã khai mở, gây dựng và phát triển nghề làm bột Sa Đéc, ngày 11/1, UBND thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ tri ân và tôn vinh nghề.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Võ Thị Bình cho biết, những năm qua, Sa Đéc đã từng bước quy hoạch xây dựng và phát triển nghề làm bột trở thành ngành nghề sản xuất tập trung với quy mô công nghiệp hiện đại; triển khai nhiều mô hình công nghệ mới trong sản xuất bột chất lượng cao theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường. Sa Đéc trở thành địa phương sản xuất bột, cung ứng nguyên liệu sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân rộng khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Qua đó, tạo nên danh tiếng bột Sa Đéc, góp phần phát triển kinh tế cho nhiều gia đình.
Theo bà Võ Thị Bình, thành phố Sa Đéc đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển Làng nghề bột Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Chỉ riêng nghề làm bột ở Sa Đéc đã tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. Sản lượng bột bình quân mỗi năm của Sa Đéc trên 30 nghìn tấn, góp phần mang về nguồn thu cho thành phố hơn 400 tỷ đồng. Đồng thời Đề án này đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm bột Sa Đéc, xứng danh với làng nghề truyền thống.
Làng bột Sa Đéc đã có hơn 100 năm hình thành và phát triển với xuất phát điểm tại xã Tân Phú Đông. Sau đó, nghề làm bột đã phát triển sang một số xã, phường khác của thành phố Sa Đéc như Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, An Hòa và Phường 2. Lúc hoàng kim, Làng bột Sa Đéc có trên 800 hộ sản xuất và nhiều hộ tận dụng phụ phẩm từ bột để chăn nuôi lợn. Những năm gần đây, do giá nguyên liệu tăng cao, nghề chăn nuôi lợn gặp khó khăn nên một số hộ đã chuyển đổi ngành nghề. Hiện nay, Sa Đéc còn hơn 200 hộ và cơ sở vẫn theo nghề sản xuất bột truyền thống.
Sản phẩm bột Sa Đéc được chia làm 2 loại: bột tươi ướt, được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô có thể dùng để dự trữ lâu, chế biến dần. Người dân Sa Đéc cung cấp bột để làm ra các loại bánh như bánh xèo, bánh khọt, bánh chuối, bánh da lợn… và sản xuất nhiều loại bánh phở, bánh hủ tiếu, bánh canh, bún... Trong đó, sản phẩm hủ tiếu và bánh phồng tôm Sa Đéc đã nổi tiếng xa gần, không những trong nước mà còn ra đến nước ngoài.
Gần đây, cán bộ, hội viên, đoàn viên, viên chức lao động và nhân dân đang công tác, sinh hoạt, học tập, lao động trong và ngoài địa bàn thành phố Sa Đéc đã tham gia chế biến, giới thiệu 102 món ăn, món bánh dân gian từ bột Sa Đéc. Qua đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã chính thức xác lập Kỷ lục Việt Nam cho UBND thành Phố Sa Đéc với “Sự kiện chế biến, công diễn các món ăn và bánh dân gian từ bột Sa Đéc cùng lúc nhiều nhất Việt Nam”./.
- Từ khóa:
- Tri ân
- tôn vinh
- nghề sản xuất bột
- Sa Đéc