Triển lãm 3D “Thưởng – Phạt: Chuyện xưa chưa cũ” - bài học dùng người và thuật trị quốc của tiền nhân
Triển lãm giới thiệu 80 văn bản đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng - phạt dưới triều Nguyễn (1802 - 1945).
TTXVN - “Thưởng – Phạt: Chuyện xưa chưa cũ” là chủ đề của Triển lãm 3D trực tuyến do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức khai mạc sáng 11/1, tại website http://archives.org.vn và fanpage https://facebook.com/luutruquocgia1.
Triển lãm giới thiệu 80 văn bản đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng - phạt dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Đây là những văn bản lần đầu tiên được công bố, giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Bên cạnh đó là nhiều hình ảnh tư liệu, hiện vật sinh động, trung thực góp phần làm phong phú cho triển lãm.
Mỗi văn bản là một câu chuyện, một sự việc cụ thể, đồng thời thể hiện tư tưởng quan điểm và cách làm của tiền nhân.
Thời đại quân chủ đã lùi xa, nhưng tính nghiêm minh trong cách thưởng – phạt; cách trọng dụng người tài, người có công; tư tưởng nhân văn khi mở ra con đường sống, cơ hội lập công chuộc tội cho không ít trường hợp; quan điểm đề cao chuẩn mực đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa… vẫn là những giá trị có sức sống bền vững lâu dài, cần được chắt lọc và bảo tồn trong cuộc sống hôm nay.
Vừa qua, trong chương trình kỳ họp Quốc hội khóa XV, bàn về vấn đề trọng dụng nhân tài và thưởng, phạt nghiêm minh, coi đây là thuật dùng người và cũng là quy luật trị quốc muôn đời, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đây là nội dung mà Bộ đang quan tâm sâu sắc. Bộ đang xây dựng đề án quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài. Cùng với đó là sẽ có cơ chế chính sách hấp dẫn dành cho người tài. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh “trọng dụng nhân tài là yếu tố truyền thống của dân tộc ta”.
“Thưởng – Phạt: Chuyện xưa chưa cũ” đưa người xem ngược dòng lịch sử, tìm hiểu chính sách thưởng phạt dưới triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng ở nước ta, để hiểu hơn về bài học dùng người và thuật trị quốc của tiền nhân. Tìm hiểu cách làm của người xưa cũng là dịp để chúng ta đúc rút những giá trị tham khảo cho cuộc sống đương đại.
Triển lãm gồm 4 phần. Phần I: Thưởng để khuyến khích – Phạt để răn đe nói lên mục đích, ý nghĩa, vai trò của việc thưởng – phạt. Qua Châu bản triều Nguyễn, có thể thấy các hoàng đế đều thể hiện rõ tư tưởng về việc thưởng – phạt nhằm mục đích: thưởng để khuyến khích, phạt để răn đe. Từ đó, “người có công phấn khởi mà người có tội biết răn chừa” (Hoàng đế Minh Mạng). Bên cạnh đó, việc thưởng – phạt hợp lý cũng thể hiện đất nước công bằng, có kỷ cương.
Với chủ đề “Thưởng phạt công minh, nhưng đủ lý tình”, phần II của Triển lãm cho thấy, Châu bản triều Nguyễn nêu rõ, việc ra quyết định khen thưởng hay xử phạt của triều đình dựa vào kết quả thực thi nhiệm vụ. Đối với quan lại, triều đình thực hiện khảo khóa. Kết quả khảo khóa được chia các hạng ưu, bình, thứ, liệt. Trên cơ sở này, triều đình quyết định việc thăng, giáng, lưu.
Cũng như các vương triều trước, để hạn chế sự lạm quyền, lộng quyền và phát hiện sai phạm trong quá trình thực thi công vụ của quan lại, triều Nguyễn thiết lập cơ quan giám sát Đô sát viện với phương châm “dùng quyền lực hạn chế quyền lực”.
Qua một số trường hợp thưởng phạt cụ thể được tường thuật lại trong Châu bản triều Nguyễn, có thể thấy bên cạnh việc áp dụng luật pháp và các quy định, hoàng đế triều Nguyễn cũng như các quan xét án không ít lần trăn trở, cân nhắc việc thưởng thế nào cho xứng, đặc biệt, phạt thế nào cho đúng tội mà vẫn mở ra con đường sống hoặc cơ hội chuộc tội cho con người, nhất là đối với người từng có công lao, người già cả.
Phần III có chủ đề “Thưởng nhiều phương diện, nhưng không tuỳ tiện”, cho thấy, đối với quan lại, việc ban thưởng thường được thực hiện qua các hình thức thăng chức; thưởng vật chất (tiền bạc, mũ áo,...) cấp kỷ, quân công, trác dị.
Triều Nguyễn cũng cho phép các quan được sử dụng văn bằng để khấu trừ khi vi phạm. Điều này thể hiện rõ trong Châu bản triều Nguyễn Châu bản còn cho thấy, đối với quan viên, việc ban thưởng cho những người có công trong lĩnh vực quân sự chiếm tỷ lệ lớn, tiếp đến là ban thưởng người hoàn thành tốt các công việc thường ngày.
Đối với người dân, việc ban thưởng thường dành cho những người đạt tiêu chuẩn về phẩm giá đạo đức như trung, trinh, hiếu, tiết, nghĩa.
Bên cạnh đó, những người sống thọ cũng được triều đình đề cao và được gia ân ban thưởng. Hình thức ban thưởng thường là thưởng vật chất (tiền bạc, vải vóc...) ban biển ngạch... Trong các văn bản về ban thưởng dưới các triều vua Nguyễn, số lượng văn bản triều Tự Đức chiếm tỷ lệ lớn.
Hoàng Việt luật lệ quy định rõ về những hình phạt tương ứng với từng loại tội, nội dung này được đề cập trong phần IV: Xử phạt đúng tội, mở ra cơ hội. Châu bản triều Nguyễn ghi lại một cách cụ thể khá nhiều vụ xử phạt, trong đó nhiều văn bản xử phạt đề cập đến việc cách chức, giáng cấp, phạt tiền. Hình thức phạt tiền đối với quan lại thường dựa trên lương bổng. Số tiền phạt sẽ đem sung công.
Hình phạt ngũ hình (xuy hình, trượng hình, đồ hình, lưu hình, tử hình) mang tính chất cảnh cáo, răn đe. Đặc biệt, với tội tham nhũng, các hoàng đế triều Nguyễn kiên quyết trừng trị nặng.
Hoàng đế triều Nguyễn cũng mở ra cơ hội chuộc tội đối với người có công hoặc người tu dưỡng đạo đức tốt. Điều này đã tạo động lực phấn đấu cho không ít trường hợp, được ghi lại cụ thể trong Châu bản triều Nguyễn./.