Triển khai các hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam phù hợp điều kiện thực tiễn
Hệ giá trị văn hóa được xác định gồm 4 giá trị nền tảng là dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; hệ giá trị con người Việt Nam gồm 8 giá trị chủ yếu là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Ngày 16/10, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo "Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đông Nam Bộ".
Tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, từ cơ sở lý luận và thực tiễn được nêu tại hội thảo, các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để ban hành chủ trương, chính sách đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; sẵn sàng tâm thế thực hiện khát vọng của dân tộc. Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đã được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử. Triển khai thực hiện nội dung này cần đồng bộ nhiều giải pháp, bằng trách nhiệm cao của hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ người dân; trong đó, cần nghiên cứu, cụ thể hóa các hệ giá trị thành tiêu chí, chuẩn mực cụ thể, phù hợp với từng địa phương, lĩnh vực, đối tượng.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, để xây dựng và thực hiện tốt các hệ giá trị này, trước hết các địa phương phải quan tâm đến yếu tố con người. Việc tuyên truyền cũng cần được làm tốt hơn nữa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước. Cùng với đó, các địa phương tập trung xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa, bởi đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội; chăm lo, xây dựng môi trường văn hóa, triển khai hiệu quả nội dung xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tập trung gìn giữ, phát huy hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam. Tăng cường quản lý nhà nước để phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân.
Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng ta quan tâm. Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra mục tiêu “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, con người Việt Nam”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định nhiệm vụ “Nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” là một nhiệm vụ quan trọng về phát triển văn hóa.
Hệ giá trị văn hóa được xác định gồm 4 giá trị nền tảng là dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị cơ bản là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc; Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Hệ giá trị con người Việt Nam gồm 8 giá trị chủ yếu là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Trên cơ sở này, các địa phương khác trong cả nước đã bước đầu triển khai thực hiện các hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ mới và đạt được một số kết quả. Các tham luận tại hội thảo cho thấy, việc triển khai thực hiện các hệ giá trị luôn gắn với đặc điểm riêng của mỗi địa phương.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, bên cạnh những đặc thù về địa lý, tính đa dạng về dân tộc, văn hóa-xã hội, Thành phố và các địa phương vùng Đông Nam Bộ vẫn là vùng có tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập ngày càng mạnh mẽ. Để biến những mục tiêu lớn về kinh tế-xã hội thành hiện thực, các địa phương này cần xác định rõ hơn những định hướng giải pháp sát với thực tiễn để hiện thực hóa các hệ giá trị.
Gợi ý về định hướng giải pháp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng cho rằng, trước mắt các địa phương nên tập trung vào 3 nhóm vấn đề gồm: Xây dựng con người và đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng môi trường văn hóa, hệ thống thiết chế văn hóa và thiết chế gia đình; tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, từng địa phương có thể xác định rõ hơn về các tiêu chí, giá trị cụ thể phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn./.