Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hôn nhân và hôn nhân cận huyết thống ở địa phương là do phong tục tập quán như hủ tục hứa hôn.
TTXVN - Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh ghi nhận 830 trường hợp tảo hôn; so với giai đoạn trước (2010 - 2015) giảm 704 trường hợp, bình quân giảm 9,2%/năm. Địa phương có 31 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, giảm 70 trường hợp so với giai đoạn trước (2010 - 2015), bình quân mỗi năm giảm 13,8%. Để có được kết quả này, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, nỗ lực đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ vấn nạn này.
* Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, là một trong 9 huyện miền núi của tỉnh, toàn huyện có khoảng hơn 31 nghìn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 97%, chủ yếu là các dân tộc Xê-đăng, Cadong, Mơ-nông... cùng sinh sống. Trước đây, tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe người dân.
Nhận thức được những tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ năm 2021 - 2023, huyện Nam Trà My xác định việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hằng năm. Huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện trên địa bàn. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về hệ lụy của vấn nạn này được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Ba năm qua, mỗi năm, địa phương có trên 100 hoạt động truyền thông cộng đồng; trên 20 hội nghị chuyên đề “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; cung cấp trên 3.000 tờ rơi; xây dựng, lắp đặt 215 cụm pano, bảng tuyên truyền ngoài trời. Qua sóng truyền thanh cấp huyện, cấp xã, huyện Nam Trà My đã mở chuyên mục truyền thông, xây dựng các nội dung để tuyên truyền trên mạng xã hội...
Huyện phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để vận động, ngăn chặn kịp thời nhiều cặp vợ chồng kết hôn không đúng tuổi quy định hoặc kết hôn cận huyết thống. Địa phương đã tổ chức ký kết cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn giữa Ban Nhân dân các thôn và UBND 10 xã trên địa bàn huyện. Cùng với đó, các mô hình hoạt động ngoại khóa, các hội thi sân khấu hóa, tìm hiểu kiến thức về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong học sinh Trung học được tổ chức thường xuyên... Nhờ đó, nhiều cuộc hôn nhân cận huyết thống đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tình trạng kết hôn cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được chấm dứt, vấn nạn tảo hôn cũng giảm mạnh. Năm 2020, mỗi năm có từ 12 - 15 trường hợp tảo hôn, đến năm 2022 chỉ có 3 trường hợp.
Già làng Hồ Văn Lâm (xã Trà Cang) cho biết, việc phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thanh niên dân tộc thiểu số ở địa phương được thực hiện tốt, hiệu quả. Tuy nhiên, hủ tục lạc hậu này vẫn chưa được xóa bỏ triệt để. Nguyên nhân là do đồng bào quan niệm rằng quan hệ cận huyết thống, kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, giữ được của cải...
* Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hôn nhân và hôn nhân cận huyết thống ở địa phương là do phong tục tập quán như hủ tục hứa hôn. Ngoài ra, trình độ nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của đồng bào còn hạn chế, tư tưởng cho con lấy vợ, lấy chồng sớm để khỏi gánh nặng cho cha mẹ còn phổ biến. Gia đình, nhà trường còn thiếu quan tâm, theo sát các em...
Bên cạnh đó, tình trạng xử lý vi phạm hành chính về hôn nhân gia đình còn chưa kiên quyết do nể nang, chế tài chưa đủ mạnh. Công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh chưa chặt chẽ; sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, các nội dung không lành mạnh trên internet cùng với thiếu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản dẫn đến những trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học và kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định...
Trước thực trạng trên, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025". Theo đó, địa phương đạt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản đầy lùi, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Quảng Nam phấn đấu giảm bình quân mỗi năm 3 - 5% số cặp tảo hôn và 5 - 7% số cặp kết hôn cận huyết thống. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc nhất là ở cơ sở xã, thôn phải được tiếp tục tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng vận động tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống./.
- Từ khóa:
- hôn nhân cận huyết
- tảo hôn
- Quảng Nam