Xã hội

Triển khai nguồn lực công nghệ đáp ứng Chính quyền số

Long An

Tỉnh Long An chú trọng nâng cao tỉ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, tập trung đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hoà phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

TTXVN - Năm 2024, Long An đặt ra một số chỉ tiêu trong chuyển đổi số như: hồ sơ nộp trực tuyến đạt 70%; hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 30% (đối với dịch vụ công có phát sinh giao dịch thanh toán); số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục (không áp dụng đối với dữ liệu phục vụ công tác quân sự, quốc phòng) đạt 80%; hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật) tại cấp tỉnh đạt 88%, cấp huyện đạt 75%, cấp xã ít nhất 60%; UBND cấp xã có trang thông tin điện tử đạt 100%; dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 93%...

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác chuyển đổi số tỉnh Long An năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 diễn ra chiều 5/3. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Long An công bố bảng xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) năm 2023. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông xếp hạng nhất về DTI sở, ngành tỉnh và huyện Cần Giuộc xếp hạng nhất về DTI cấp huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa đánh giá cao những kết quả trong công tác chuyển đổi số của các sở, ngành, UBND cấp huyện; đồng thời đề nghị, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra trong thời gian tới, trong đó chú trọng nâng cao tỉ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, tập trung đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ.

Tỉnh giao sở Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch, giải pháp xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ số đầu tư vào tỉnh, tập trung một số giải pháp cụ thể như: Triển khai các hoạt động, chế độ chính sách nhằm thu hút nguồn lực công nghệ thông tin để chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng (bao gồm cả tài chính, nhân lực...); tuyển dụng, đào tạo và bố trí đủ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Đại diện các sở, ngành trình bày tham luận về giải pháp thực hiện công tác chuyển đổi số thời gian tới. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Cùng với đó, tỉnh Long An triển khai các hoạt động học tập, tìm hiểu thực tế các mô hình chuyển đổi số hiệu quả ở các địa phương khác và nghiên cứu vận dụng phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, địa phương mình; khảo sát thông tin về mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với việc triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước để có hướng cải tiến, nâng cấp phù hợp.

Năm 2023, cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông tỉnh Long An được tăng cường đầu tư; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao… Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư, đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả các nền tảng chính quyền số, đặc biệt là Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng, đưa vào vận hành, phát huy hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); kho cơ sở dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở…

Toàn tỉnh có 5 trạm BTS 5G Viettel tại thành phố Tân An và các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 94,1%; hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 88,8%. Hạ tầng số trong cơ quan nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu trong xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số. Tỉnh cơ bản hoàn thành việc lắp đặt hệ thống thiết bị camera giám sát an ninh trật tự và giao thông tại các nút giao thông, tuyến đường trọng yếu của tỉnh, kết nối với Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh (IOC). Đặc biệt, chính thức đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát phục vụ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Tân An từ tháng 10/2023.

Trên địa bàn tỉnh, 277 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động; trong đó có 51 doanh nghiệp sản xuất phần cứng điện tử, 8 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, 2 doanh nghiệp sản xuất nội dung số, 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và 186 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Tổng số có 4.737 lao động trong các doanh nghiệp công nghệ số./.


Đức Hạnh

Xem thêm