Xã hội

Truyền cảm hứng khởi nghiệp du lịch cho sinh viên

Bình Thuận

Tọa đàm là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia về du lịch giới thiệu, trình bày về các vấn đề liên quan đến tổng thể thực trạng ngành Du lịch; xu hướng du lịch hiện nay; cơ hội nghề nghiệp và các yếu tố giúp khởi nghiệp thành công.

Các diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch chia sẻ tại tọa đàm.
Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hiếu - TTXVN

Sáng 4/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trường Đại học Phan Thiết, Công ty Traveloka Việt Nam tổ chức "Tọa đàm truyền cảm hứng khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch" cho hơn 500 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề tại tỉnh.

Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết, tọa đàm là cơ hội để các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia về du lịch giới thiệu, trình bày về các vấn đề liên quan đến tổng thể thực trạng ngành Du lịch; xu hướng du lịch hiện nay; cơ hội nghề nghiệp và các yếu tố giúp khởi nghiệp thành công. Đây cũng là dịp để nhà trường, các đơn vị lắng nghe, chia sẻ những mong muốn, ý tưởng; động viên sự nỗ lực, cố gắng của sinh viên về khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Gần đây, xu hướng nổi lên mạnh mẽ nhất là phát triển theo hướng công nghệ, sử dụng mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho du khách…

Bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, phát biểu khai mạc.
Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hiếu - TTXVN

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người; khách nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỉ đồng. Tại Bình Thuận, trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón 5,4 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó khách quốc tế ước đạt 235 nghìn lượt (tăng 62%); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 14.020 tỷ đồng.

Tại tọa đàm, các sinh viên đã chia sẻ những lo lắng cũng như suy nghĩ về khởi nghiệp, nghề nghiệp. Một số ý kiến băn khoăn về nguồn vốn, nhân lực, ý tưởng khởi nghiệp du lịch. Các bạn trẻ cũng quan tâm đến việc tìm ra xu hướng mới; tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo, sáng tạo; khai thác các giá trị tiềm năng hiện có và lan tỏa dịch vụ du lịch ra các vùng, lĩnh vực khác…

Các sinh viên hứng thú trao đổi tại buổi tọa đàm.
Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hiếu - TTXVN

Theo Tiến sỹ Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing, Đại học Kinh tế tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy cơ hội nghề nghiệp cũng như cơ hội khởi nghiệp rất nhiều. Thị trường du lịch vẫn còn nhiều dư địa. Ngoài việc nắm bắt xu hướng mới, nhu cầu, sự quan tâm của du khách, mỗi “start- up” phải có hiểu biết, có thái độ đúng đắn và những kỹ năng cần thiết trước khi khởi nghiệp.

Chia sẻ về kinh nghiệm và năng lực cần thiết để khởi nghiệp, ông Hoàng Công Định, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu - Thương mại và Du lịch DIMA Tour cho biết, du lịch là ngành dịch vụ, sự hài lòng của khách hàng phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dịch vụ. Ngành Du lịch tại Bình Thuận đang ngày càng phát triển với sự gia nhập của nhiều đối thủ mới. Do đó, để giữ vững lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu đổi mới liên tục và sáng tạo trong các dịch vụ. Ngoài yếu tố về vốn, người khởi nghiệp cần không ngừng cải tiến dịch vụ và tạo ra các sản phẩm mới để thu hút khách hàng. Sự chăm sóc tận tình và thái độ chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc giữ chân khách hàng. Mỗi người khởi nghiệp cần trang bị kiến thức quản lý tài chính, chuẩn bị kế hoạch kinh doanh chi tiết, hiểu biết về ngành, luôn luôn đánh giá rủi ro về khởi nghiệp…/.

Nguyễn Thị Hồng Hiếu

Tin liên quan

Xem thêm