Xã hội

Phát động cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp"- Startup Kite 2024

Cuộc thi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh.

Một số dự án được trao giải tại cuộc thi cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2022
Ảnh: Tổng cục GDNN

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phát động cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2024 dành cho học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Đối tượng dự thi có thể đăng ký theo hình thức một thí sinh hoặc đội thí sinh (đội thí sinh không quá 5 người). Mỗi thí sinh/đội thí sinh có thể đăng ký nhiều ý tưởng/dự án khởi nghiệp

Cuộc thi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích phát huy tinh thần sáng tạo, trải nghiệm thực tế trong việc lập dự án kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào cuộc sống; tìm kiếm, tôn vinh những tác giả, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc. Yêu cầu đối với các dự án khởi nghiệp tham gia dự thi phải là ý tưởng/sản phẩm của chính tác giả/nhóm tác giả và chưa được công bố hay tham gia vào bất kỳ cuộc thi nào có quy mô tương đương. Thông qua nền tảng công nghệ, mạng xã hội để lan tỏa thông điệp và toàn bộ nội dung chương trình, đồng thời kiểm soát được các nội dung, thông điệp này.

Theo kế hoạch, vòng sơ tuyển (cấp trường) sẽ hoàn thành trước 30/8 tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyên truyền, phổ biến Cuộc thi đến toàn thể học sinh, sinh viên trong nhà trường; tổ chức Startup Kite 2024 cấp trường; lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc của thí sinh/đội thí sinh và gửi hồ sơ dự thi về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trước ngày 10/9 để tham dự vòng bán kết.

Vòng bán kết tổ chức trong 5 ngày vào khoảng tháng 9-10 tại tỉnh Quảng Nam bằng hình thức thi trực tuyến. Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn các thí sinh/đội thí sinh có ý tưởng, dự án khởi nghiệp xuất sắc vào chung kết; tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên các đội có ý tưởng, dự án khởi nghiệp được vào vòng chung kết trong khoảng thời gian tháng 10-11.

Vòng chung kết dự kiến tổ chức trong 2 ngày vào tháng 11 trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2024 tại tỉnh Quảng Nam. Hình thức thi tổ chức trực tiếp thông qua hai phần: Huy động vốn và Xử lý tình huống (dành cho một số dự án xuất sắc nhất ở phần 1).

Một số dự án được trao giải tại cuộc thi cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite 2022
Ảnh: Tổng cục GDNN

Tổng điểm được tính sẽ là 100 điểm, trong đó: Tính mới, sáng tạo, giá trị khác biệt của ý tưởng/dự án so với các sản phẩm đã có trên thị trường, tính bền vững của sản phẩm/dịch vụ (20 điểm); tính khả thi, tính cạnh tranh của ý tưởng/dự án; sự hiểu biết về thị trường, kế hoạch mở rộng thị trường (20 điểm); tính chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật (20 điểm); thể thức trình bày, hình thức thuyết trình và phản biện (20 điểm); tính hiệu quả kinh tế - xã hội và ứng dụng thực tế (20 điểm).

Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì (tối đa), 3 giải Ba (tối đa), 30 giải khuyến khích và giải phụ khác.

Yêu cầu về bài dự thi: Là ý tưởng/dự án của cá nhân hoặc đội/nhóm học sinh, sinh viên được đặt tên cụ thể, ngắn gọn, đúng chủ đề, được trình bày theo đúng thể thức và có đủ hồ sơ theo quy định. Hồ sơ dự án dự thi bao gồm bản thuyết minh dự án (đối với dự án có nhiều người tham gia: bản thuyết minh cần nêu rõ các ý tưởng nào của ai; vai trò, phân công của từng thành viên trong đội/nhóm đối với dự án); bài thuyết trình (không quá 5 phút) để báo cáo trước các giám khảo (bao gồm cả video clip); sản phẩm mẫu gửi kèm theo bằng ảnh hoặc video clip (nếu có).

Chủ dự án dự án/ ý tưởng sẽ trình bày trước Ban giám khảo về nội dung dự án, ý tưởng, ý nghĩa xã hội (nếu có), các sản phẩm, phương hướng phát triển sản xuất, kinh doanh và trả lời các câu hỏi từ giám khảo. Mỗi thí sinh/đội, nhóm thí sinh có tối đa 15 phút để dự thi, trong đó có 5 phút thuyết trình dự án, 10 phút để trả lời các câu hỏi từ Ban giám khảo. Thí sinh có thể sử dụng clip/trình chiếu để nâng cao hiệu quả bài thi.

Sau khi tham dự vòng chung kết, các dự án/ý tưởng của các tác giả/nhóm tác giả sẽ được tham gia trưng bày và triển lãm tại các gian hàng theo các chủ đề Ban tổ chức bố trí tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2024./.

Phúc Hằng

Xem thêm