Để gỡ khó trong thực hiện chuyển đổi số cấp xã, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chú trọng đến yếu tố nhân lực số; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh.
TTXVN - Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở. Mặc dù là địa phương miền núi, có nhiều khó khăn về hạ tầng và nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số, nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhất là ở cấp xã ngày càng đổi thay tích cực và mang lại những hiệu quả rõ rệt
* Phát huy hiệu quả của tổ công nghệ số cộng đồng
Tổ công nghệ số cộng đồng bắt đầu được triển khai tại tỉnh Tuyên Quang từ giữa năm 2022. nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.871 Tổ Công nghệ số cộng đồng với tổng số thành viên 10.257. Tỷ lệ tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100% và 100% các thành viên trong tổ đã được tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng số.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tổ công nghệ số cộng đồng phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang đã tổ chức trên 1000 lượt ra quân triển khai nhiệm vụ. Chị Phạm Kim Tuyết, Bí thư Đoàn phường Tân Hà, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng phường Tân Hà chia sẻ, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thường xuyên đến các cụm dân cư hướng sử dụng Ứng dụng Chính quyền số Tuyên Quang (App ID Tuyên Quang); sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sàn thương mại điện tử; thanh toán điện tử; hướng dẫn sử dụng Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang; Cổng thông tin du lịch tỉnh Tuyên Quang…, hộ trợ người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng định danh diện tử VneID; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội,...
Ông Vũ Hữu Chính, ở tổ 15, phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang cho biết, nhờ tổ công nghệ số của phường tuyên truyền, giải thích tận tình, hướng dẫn tỉ mỉ, ông Chính đã có thể sử dụng một số phần mềm công nghệ số cơ bản. Ông cũng hiểu hơn về tiện ích mà chuyển đổi số mang lại. Thực tế, hiện nay, khi đi khám chữa bệnh, ông chỉ cần mang điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm VssID hoặc căn cước công dân là có thể thực hiện thăm khám chữa bệnh bình thường.
Bà Hà Thị Kim Tuyến, tổ 17, phường Tân Hà chia sẻ, gia đình kinh doanh cửa hàng ăn uống nên hàng ngày các giao dịch mua bán rất nhiều. Gần 1 năm nay, gia đình bà Tuyến tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng, giúp khách hàng thanh toán tiện lợi, dễ quản lý. Ngoài ra, bà Tuyến cũng thanh toán trực tuyến các khoản như tiền điện, tiền mạng và các hóa đơn mua hàng, qua đó, giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và tránh nhầm lẫn.
* Quyết liệt trong thực hiện chính quyền số cấp xã
Năm 2022, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã lựa chọn chuyển đổi số là khâu đột phá hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, tỷ lệ văn bản được xử lý trên môi trường mạng ở xã Thái Bình đạt 100%, việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 đạt 100%. Bên cạnh đó, xã cũng chỉ đạo cán bộ, công chức xã đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cách thức đăng ký, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.
Ông Phạm Văn Hòa thôn 3, xã Thái Bình cho biết, cán bộ thôn lập 1 nhóm Zalo gồm đại diện tất cả các hộ gia đình trong thôn. Thôn có công việc hay thông báo họp, cán bộ thôn chỉ cần thông tin trên nhóm Zalo chung là tất cả người dân trong thôn cùng biết. Các văn bản chỉ đạo liên quan đến thôn cũng được chuyển qua Zalo để mọi người có nhu cầu xem xét và tham khảo.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về lợi ích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đối với người dân không sử dụng điện thoại thông minh và người cao tuổi, cán bộ xã hỗ trợ lập tài khoản, nộp hồ sơ, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua Zalo, Facebook... Qua đó, từng bước nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.
Hiện nay, 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang. Tỉnh cung cấp hơn 1.800 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số ở cấp xã vẫn là một khó khăn của tỉnh Tuyên Quang.
Để gỡ khó trong thực hiện chuyển đổi số cấp xã, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chú trọng đến yếu tố nhân lực số; ưu tiên các giải pháp chuyển đổi nhận thức và xây dựng các nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh; tập trung phát triển hạ tầng số; tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho đội ngũ thành viên của mạng lưới chuyển đổi số tại cấp cơ sở, nhằm phục vụ tiến trình chuyển đổi số các cấp.
Đồng thời, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm bố trí, nâng cấp trang thiết bị cho Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã, đội ngũ công chức… để phục vụ số hóa hồ sơ; tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến...; tiếp tục rà soát để trang cấp bổ sung và đôn đốc xây dựng, triển khai Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); nâng cấp và xây dựng bổ sung nền tảng chung tích hợp chia sẻ các hệ thống thông tin quy mô cấp tỉnh (LGSP)...