Xã hội

Tuyên truyền, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2024

Các hoạt động hướng đến tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và vị trí, vai trò của lao động có kỹ năng nghề.

Tiếp tục nâng cao chất lượng kỹ nâng nghề
Ảnh minh họa: Nguyễn Thị Thảo - TTXVN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2024.

Ngày 1/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ- TTg quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là "Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam" nhằm kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng, ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động. Đồng thời tôn vinh, khẳng định vị thế, tầm trọng của người lao động có kỹ năng nhất là người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc; thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Để triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm 2024 thiết thực, hiệu quả, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế, quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 1486/QĐ-TTg đảm bảo ý nghĩa, phù hợp nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, trọng tâm là triển khai các hoạt động hưởng ứng thiết thực tại địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp

Cụ thể, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam và vị trí, vai trò của lao động có kỹ năng nghề; về phát triển kỹ năng lao động, các hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động. Tuyên truyền sự đồng hành, gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư, Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Luật Việc làm năm 2013 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...

Tuyên truyền việc thực hiện đa dạng hóa các chương trình đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo, tạo điều kiện cho công dân, đặc biệt là thanh niên tham dự các khóa đào tạo, kỳ đánh giá kỹ năng nghề để gia nhập thị trường lao động, lập nghiệp, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời, thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Các thí sinh tham gia kỳ thi kỹ năng nghề thành phố Hà Nội năm 2023
Ảnh minh họa: Hoàng Hiếu - TTXVN

Tuyên truyền các thành tựu, kết quả, các sáng kiến về phát triển kỹ năng nghề, thúc đẩy nâng tầm kỹ năng lao động và giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước.

Hình thức tuyên truyền: thông tin về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng/trang thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng xã hội, đối thoại chính sách; hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh; giáo dục ngoại khóa... Tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm trực tiếp, trực tuyến về đào tạo và phát triển kỹ năng nghề trong đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên và người lao động trong tình hình mới hiện nay. Phát hành các bài báo, phóng sự, phim tài liệu đặc biệt chào mừng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10.

Bên cạnh đó, tổ chức hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng, vinh danh người lao động có tay nghề cao, kỹ năng nghề xuất sắc; các tập thể, cá nhân, nhà giáo, cộng đồng và doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc đào tạo, phát triển kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Treo hoặc đăng trên bảng điện tử khẩu hiệu "Chào mừng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10" và các thông điệp về kỹ năng lao động, kỹ năng nghề... Các cơ quan, đơn vị chủ động lựa chọn khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến về Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam phù hợp với nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị tại trụ sở, cơ sở đào tạo, tòa nhà, phòng học, xưởng thực hành hay văn phòng làm việc cơ quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, các nơi đông người qua lại và các khu công nghiệp. Các thông điệp về kỹ năng lao động gồm: "Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng lao động"; "Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam phát triển thịnh vượng"; "Kỹ năng nghề cho tương lai tươi sáng"; "Kỹ năng nghề để có cuộc sống tốt hơn"; "Kỹ năng nghề để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia"; Kỹ năng nghề giá trị đích thực"; "Kỹ năng nghề vì hòa bình và phát triển"; "Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề"; "Nâng tầm kỹ năng lao động, nâng tầm sức mạnh quốc gia".

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục; đặc biệt tập trung vào dịp cao điểm từ ngày 30/9 đến ngày 6/10/2024. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị trao đổi với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) để kịp thời phối hợp./.

Phúc Hằng

Tin liên quan

Xem thêm