Xã hội

Gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề

Ninh Bình

Mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Ninh Bình ngày càng mở rộng, đa dạng hóa ngành, nghề đào tạo; chương trình, nội dung đào tạo từng bước đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.

Trao Bằng khen cho các tập thể có nhiều thành tích xuất sắc.
Ảnh: Lê Thị Hải Yến - TTXVN

Ngày 27/8, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Mai Văn Tuất ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đào tạo nhân lực tay nghề cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về nhân lực có tay nghề cao để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; xác định đào tạo nhân lực có tay nghề cao là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Đây cũng là nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung chỉ đạo để góp phần xây dựng Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương năm 2035 với đặc trưng là Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Các cấp, ngành tăng cường gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nghề, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học. Đồng thời, có chính sách thu hút, ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhất là những ngành nghề truyền thống, mang đặc trưng địa phương như: Gốm, chế biến thảo dược, thêu ren, đá mỹ nghệ, sản phẩm OCOP; đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp với nhiều hình thức.

Trao Bằng khen cho các cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc.
Ảnh: Lê Thị Hải Yến - TTXVN

Các cấp, chính quyền tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm của tỉnh; rà soát điều kiện của các trường cao đẳng, trung cấp đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét đưa vào danh mục trường được lựa chọn đầu tư chất lượng cao. Các cấp, chính quyền phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nghiên cứu hình thức đào tạo nghề phù hợp, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp theo hướng nâng cao năng lực thực hành cho người học nghề; trang bị thêm các kiến thức về thái độ, kỹ năng sống, tinh thần sáng tạo, hợp tác trong công việc. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi chương trình đào tạo; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động học nghề từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn khẳng định, sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về đào tạo nhân lực có tay nghề cao được nâng lên. Mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng mở rộng, đa dạng hóa ngành, nghề đào tạo; chương trình, nội dung đào tạo từng bước đổi mới, hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.

Đến nay, toàn tỉnh có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục; trong đó có 2 trường chất lượng cao là Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô và Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình. Toàn tỉnh có trên 800 giáo viên, giảng viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 100% giảng viên, giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã từng bước được đầu tư mới, phát huy hiệu quả; cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực đào tạo từng bước được đổi mới, hoàn thiện.

Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 37, toàn tỉnh có trên 172 nghìn người được đào tạo nghề ở các trình độ. Ngoài các chính sách chung của Trung ương, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn để hỗ trợ học phí, tạo điều kiện cho học viên tham gia học nghề phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân và nhu cầu của xã hội. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn đạt 69,5%; lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33,6%, dự kiến đến hết năm 2024 đạt 35,3%...

Dịp này, 10 tập thể và 15 cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khen thưởng do có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW./.

Lê Thị Hải Yến

Tin liên quan

Xem thêm