Hội nghị ghi nhận 20 lượt ý kiến của các doanh nghiệp tập trung vào các nhóm vấn đề vướng mắc như: Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
TTXVN - Chiều 11/10, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nhân, đối thoại doanh nghiệp năm 2023 với 300 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự.
Hội nghị là dịp để các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu lắng nghe ý kiến thẳng thắn từ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; nhìn nhận thực tiễn các vấn đề vướng mắc đang đặt ra nhằm tháo gỡ, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Phạm Ngọc Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn hiện có 1.954 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 55.330 tỷ đồng. Trong đó, có 1.425 doanh nghiệp đang hoạt động; 85 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh; 444 doanh nghiệp ngừng hoạt động và không hoạt động tại trụ sở. Toàn tỉnh có 700 chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh; có 413 hợp tác xã với tổng vốn đăng ký là 1.452 tỷ đồng và một Liên hiệp hợp tác xã với vốn đăng ký 2 tỷ đồng.
Hết tháng 9 năm nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đóng góp trên 77,5% nguồn thu ngân sách của tỉnh, khoảng 1.145 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 21.000 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Trong 9 tháng của năm, UBND tỉnh Lai Châu đã chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, Lai Châu đã có nhiều giải pháp nhằm nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư và tăng cường quảng bá, giới thiệu các tiềm năng thế mạnh, ưu đãi và cơ chế chính sách của tỉnh. Mặt khác, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp vào nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án trên địa bàn; quan tâm thực hiện các chính sách liên quan đến việc gia hạn, miễn, giảm các loại thuế phí, tiền thuê đất và các gói tín dụng; chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…
Hội nghị ghi nhận 20 lượt ý kiến của các doanh nghiệp tập trung vào các nhóm vấn đề vướng mắc như: Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khó khăn để tiếp cận đất đai thực hiện dự án, bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng; thủ tục chuyển đổi mục đích rừng còn khó khăn; hạ tầng truyền tải điện chưa được đầu tư tương xứng; thủ tục hành chính, chính sách về thuế, tín dụng ngân hàng…
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương khẳng định, đối với những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, sớm báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo kịp thời. Các sở, ngành chủ động nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp, sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền, các đơn vị tham mưu UBND tỉnh giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, các Hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã trong tỉnh phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội; thường xuyên trao đổi thông tin, tiếp tục xây dựng phản ánh, bổ sung chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nâng cao vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin về pháp luật. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện đúng các cam kết đầu tư, bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để triển khai các dự án, tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, người lao động.
Dịp này, UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 13 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh./.