Xã hội

Phú Yên: Siết chặt kỷ luật và nâng cao đạo đức công vụ

Phú Yên

Sau 10 năm thực hiện chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh việc vi phạm kỷ luật kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã được hạn chế.

Quang cảnh hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

TTXVN - Để đáp ứng những yêu cầu trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Phú Yên sẽ xây dựng chỉ thị mới với những nội dung sát thực tiễn nhằm siết chặt kỷ luật và nâng cao đạo đức công vụ.

*Nhiều chuyển biến tích cực

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, ngày 03/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở, lãnh đạo các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, quán triệt và tổ chức thực hiện quyết liệt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm nêu gương và tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Chất lượng, hiệu quả công việc ngày càng được nâng lên; tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được đổi mới và khoa học hơn. Kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được rút ngắn được thời gian và chi phí hành chính, khắc phục trình trạng gây phiền hà, sách nhiễu khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 97,2%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua cổng dịch công toàn tỉnh đạt 62,4%...

Công chức, viên chức nói chung và Bộ phận một cửa nói riêng đã đổi mới phương thức làm việc, ý thức và tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ công vụ được nâng lên rõ rệt, thực hiện tốt phương châm “Thân thiện, nghĩa tình; tận tụy, trách nhiệm; kỷ cương, kỷ luật” và phương châm 5 biết “Biết chào hỏi, biết lắng nghe, biết giải thích, biết xin lỗi, biết cảm ơn”.

Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên tổ chức kiểm tra đột xuất 233 đợt và 08 đợt kiểm tra theo phản ảnh, kiến nghị của công dân. Kết quả kiểm tra, đã phát hiện 152 cán bộ, công chức, viên chức; 13 cơ quan, đơn vị vi phạm giờ giấc làm việc; 21 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc; 60 cơ quan, đơn vị thực hiện chưa đúng quy định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Từ kết quả kiểm tra, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (03 cảnh cáo; 13 khiển trách; 94 kiểm điểm, phê bình); kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu 60 cơ quan,đơn vị trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (01 cho thôi việc; 06 cảnh cáo; 14 khiển trách; 254 kiểm điểm, phê bình).

* Nâng cao đạo đức công vụ

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa sâu sát công việc, trình độ, năng lực còn hạn chế; trình độ chuyên môn, kỹ năng ứng xử, thái độ làm việc, giao tiếp với Nhân dân của một số cán bộ, công chức chưa tốt. Công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu.

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, chưa gương mẫu chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Phương thức lãnh đạo, điều hành chậm đổi mới, thiếu năng động, sáng tạo; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, sâu sát và toàn diện; xử lý các trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; chưa mạnh dạn sàng lọc, thay thế, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất đạo đức.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, ý thức trách nhiệm trong hoạt động công vụ, Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu cả hệ thống chính trị ở địa phương phải xây dựng và thực hiện văn hóa công sở; đẩy mạnh thực hiện các kết luận, quy định về trách nhiệm nêu gương, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Chỉ thị số 26/CT-TTg, ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025, nhằm tạo chuyển biến thực sự về ý thức, trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ban hành chỉ thị mới trên cơ sở kế thừa Chỉ thị 23 để phù hợp với tình hình mới; các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quyết liệt thực hiện chỉ thị này để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Muốn thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật và nâng cao đạo đức công vụ các đơn vị, địa phương cần phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trước hết phải gương mẫu tự giác đi đầu, thực hiện văn hóa công sở; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo…/.

Xem thêm