Xã hội

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phòng, chống thiên tai

Bắc Giang

Năm 2025, ở Bắc Giang dự báo sẽ có từ 10 - 12 đợt mưa vừa, mưa to. Đỉnh lũ cao nhất năm 2025 có khả năng xảy ra vào tháng 7-8; đỉnh lũ trên các sông thấp hơn đỉnh lũ năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị. 
Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Năm 2025,Bắc Giang cần đẩy mạnh triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cụ thể là ứng dụng công nghệ đo mưa, mực nước, nhiệt độ tự động thay bằng thủ công; cảnh báo thời tiết nguy hiểm bằng hình ảnh mây vệ tinh; sử dụng nhiều kênh thông tin (báo, đài truyền thanh, truyền hình, websites, facebook, email, tin nhắn ...) để truyền phát, đưa tin, dự báo, cảnh báo và phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai. Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 do UBND tỉnh tổ chức ngày 4/4.

Ông Phan Thế Tuấn yêu cầu, để làm tốt việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tập trung, đề cao tính chủ động trong hoạt động phòng ngừa, ứng phó; xây dựng ý thức trách nhiệm đối với công tác phòng, chống thiên tai. Các đơn vị, địa phương linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, địa phương. Các bên liên quan xây dựng kịch bản phòng, chống, điều tiết lũ, phân lũ cho hệ thống đê bao, đê bối, vùng trũng thấp, ven sông suối ở tỉnh; thường xuyên rà soát, kiểm tra hiện trạng công trình phòng, chống thiên tai; những vị trí xung yếu tại nơi có tiềm ẩn rủi ro cao (đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập; hệ thống tiêu thoát nước các khu, cụm công nghiệp). Các địa phương có công trình thủy lợi đang triển khai cần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo xong trước mùa mưa bão.

UBND cấp cơ sở tiếp tục thực hiện kiểm tra, thanh tra; xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai; đảm bảo nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là khi xảy ra tình huống ở vùng sâu, vùng xa trong điều kiện thời tiết phức tạp. UBND cấp cơ sở làm tốt công tác phối hợp hiệp đồng trong phòng, chống thiên tai giữa các địa phương với đơn vị quân đội, Công an...

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bắc Giang Bùi Thị Thu Hiền nhận định, năm 2025 dự báo tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Ở Bắc Giang dự báo sẽ có từ 10 - 12 đợt mưa vừa, mưa to. Đỉnh lũ cao nhất năm 2025 có khả năng xảy ra vào tháng 7-8; đỉnh lũ trên các sông thấp hơn đỉnh lũ năm 2024.

Năm 2024, Bắc Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoàn lưu bão số 2 gây mưa to đến rất to kèm dông và gió mạnh. Đặc biệt, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn, toàn tỉnh có 3 người chết, 18 người bị thương, 8.180 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng, gần 3.000ha hoa, rau màu bị hư hỏng; gần 32.000 ha rừng bị gẫy đổ; 104 sự cố công trình đê điều bị hư hỏng phải sửa chữa, khắc phục... Ước giá trị thiệt hại về kinh tế do thiên tai là hơn 5.100 tỷ đồng; tổng giá trị thiệt hại, các sự cố công trình, thiệt hại về người đều tăng so với năm 2023.

Nhờ chủ động từ sớm, từ xa nên công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh năm 2024 đã kịp thời, hiệu quả, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Tuy nhiên, việc phòng, chống thiên tai ở Bắc Giang vẫn gặp một số khó khăn. Các công trình thủy lợi, đê điều đã lâu không phải làm việc trong điều kiện mưa, lũ lớn, ngập sâu… nên khi xảy ra đã bộc lộ một số điểm yếu, xuất hiện sự cố; chưa có bản đồ cảnh báo lũ quét tới thôn, bản; phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn thiếu…/.


Đồng Thúy

Tin liên quan

Xem thêm