Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) là một trong số những câu lạc bộ hoạt động đều đặn, hiệu quả.
Là một trong 49 làng Quan họ gốc, Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) là một trong số những câu lạc bộ hoạt động đều đặn, hiệu quả. Đến nay, các thành viên trong câu lạc bộ đều giữ được vốn cổ và nét đặc trưng của Quan họ nơi đây. Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, Câu lạc bộ đang ngày càng phát triển, góp phần đưa Quan họ trường tồn và lan tỏa.
Ngôi nhà chung của những người đam mê Quan họ
Từ xa xưa, các liền anh, liền chị Quan họ Thị Cầu đã xây dựng cho mình phong trào văn hóa, văn nghệ rộng khắp. Họ tích cực bảo tồn, đi "chơi", giao lưu với các làng Quan họ bạn. Qua thời gian, cùng với ảnh hưởng của chiến tranh, áp lực kinh tế gia đình, sự ra đi của những anh hai, chị hai vốn hiểu biết dày dặn về Quan họ, những thành viên trong Câu lạc bộ không còn sinh hoạt đều đặn nhưng tình yêu Quan họ chưa bao giờ lắng xuống. Những liền anh, liền chị Thị Cầu vẫn đau đáu nỗi niềm khôi phục lại phong trào Quan họ ở địa phương, gìn giữ "vốn quý" này cho muôn đời sau.
Ông Lê Văn Trọng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu cho biết: Với mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị vốn có của làng Quan họ gốc, đồng thời phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, năm 1995, ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu được xây dựng bởi các nghệ nhân, các anh hai, chị hai đam mê Quan họ. Đến năm 1997, Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu chính thức được thành lập do UBND phường Thị Cầu ra quyết định. Ban đầu, khi mới đi vào hoạt động, câu lạc bộ có hơn 10 thành viên, đến nay đã có tới hơn 70 thành viên, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 2 nghệ nhân Ưu tú và 3 Nghệ nhân cấp tỉnh.
Để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, song song với vận động, thu hút các hội viên, Câu lạc bộ thành lập Ban chủ nhiệm, Ban cố vấn, Ban truyền dạy Quan họ. Mỗi năm, Câu lạc bộ đều xây dựng kế hoạch cụ thể, sinh hoạt đều đặn 2 lần/tháng. Hàng quý, Câu lạc bộ còn mở thêm canh hát, tổ chức giao lưu với các câu lạc bộ Quan họ bạn theo hình thức hát canh truyền thống và giao lưu trên sân khấu. Qua đó, giúp cho thành viên Câu lạc bộ có thêm vốn hiểu biết, ngày càng có thêm kinh nghiệm trong kỹ năng hát và học hỏi văn hóa ứng xử trong lối chơi Quan họ của mỗi làng.
Ông Lê Văn Trọng chia sẻ: Khó khăn mà Câu lạc bộ gặp phải là những người am hiểu về Quan họ và Quan họ Thị Cầu trong Câu lạc bộ không còn nhiều, các thành viên đa phần đã "có tuổi" có thời gian dài không thường xuyên sinh hoạt Quan họ nên "vốn" Quan họ, nhất là "vốn cổ" không còn nhiều nên việc thực hành, phục dựng lại cách "chơi" Quan họ truyền thống gặp khó khăn. Bởi vậy, hằng năm, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thường xuyên mời các nghệ sĩ tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh và nhà nghiên cứu Quan họ tới, nói chuyện về đặc trưng của Quan họ Thị Cầu và cách "chơi" Quan họ. Nhờ vậy, đến nay, toàn bộ thành viên trong Câu lạc bộ đều có "vốn" Quan họ nhất định, mỗi người đều ca được hàng chục câu Quan họ cổ và có thể đi giao lưu các câu lạc bộ Quan họ bạn. Nhiều người có thể đi truyền dạy Quan họ trong các câu lạc bộ khác.
Có mặt tại buổi sinh hoạt truyền thống của Câu lạc bộ, giữa không gian cổ kính tại nhà chứa Quan họ Thị Cầu, những liền anh mặc áo the khăn xếp, liền chị áo tứ thân mớ ba mớ bảy, nón quai thao, cơi trầu tên cánh phượng, gợi lại không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ xưa. Từng cặp Quan họ ca những câu Quan họ cổ vang lên mới thấy hết niềm đam mê Quan họ của các liền anh, liền chị nơi đây.
Mặc dù đã bước sang tuổi 87 nhưng với chất giọng khỏe, vang, rền, nền, nảy, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Cầu, thành viên Ban truyền dạy của Câu lạc bộ vẫn say sưa ca các câu Quan họ cổ. Trước mỗi câu hát, ông thường giải thích các điển cố, điển tích, những câu chuyện ẩn chứa trong đó. Nói về đặc trưng của Quan họ Thị Cầu, ông Nguyễn Văn Cầu cho biết, Quan họ Thị Cầu thường sử dụng nhiều điển cố, điển tích, ngoài ra, trong làn điệu thường pha chút "Tuồng". Đặc biệt, trong câu hát, các liền anh, liền chị cần chú ý cách "buông câu nhả chữ".
Vì vậy, khi truyền dạy, ông chú ý dạy tỉ mỉ, uốn nắn từng câu, từng nhịp. Chỉ cần sai một chút nhấn nhá là hỏng cả làn điệu. Có những khi để dạy câu cổ, các liền anh, liền chị mất cả tháng mới thành thục.
"Trước đây, các cụ đã truyền dạy cho chúng tôi lối "chơi", lối ca Quan họ cổ, nên đến nay, chúng tôi phải có trách nhiệm truyền dạy cho các thế hệ sau này", ông Nguyễn Văn Cầu vui vẻ nói.
Phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Đối với các thành viên Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu, bảo tồn Dân ca Quan họ Bắc Ninh không chỉ là thành thục các làn điệu, hát được các bài Quan họ cổ hay truyền dạy Quan họ đến các thế hệ sau này mà còn là trách nhiệm sưu tầm, sáng tác các bài Quan họ mới dựa trên các làn điệu cổ. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Khắc Bốt, 85 tuổi, Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu cho biết: Trong những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, ông thường hát đôi với Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Cầu và ca những bài Quan họ cổ. Bên cạnh truyền dạy trực tiếp cho các thành viên trong câu lạc bộ, Nghệ nhân luôn chú trọng nâng cao hiểu biết vốn Quan họ, chủ động học hỏi những câu Quan họ từ Câu lạc bộ Quan họ bạn. Ông cũng thường xuyên sáng tác những lời bài Quan họ mới dựa trên làn điệu cổ với nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi công lao của Đảng, Bác Hồ, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, thành tích xây dựng nông thôn mới… để Quan họ bắt nhịp với cuộc sống mới, gần gũi với các thế hệ sau này.
Còn đối với cô Nguyễn Thị Hoa, Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu, thể hiện tình yêu với Quan họ, bên cạnh lưu giữ vốn cổ, nét đặc trưng của Quan họ quê mình thì các thành viên còn tích cực học hỏi, nâng cao vốn Quan họ như tham gia học các bài mới, giao lưu với các câu lạc bộ Quan họ khác. Đến nay, cô có thể hát được hàng trăm bài Quan họ cả lời cổ và lời mới. Năm 2018, cô đại diện cho Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu tham gia các cuộc thi đối đáp Dân ca Quan họ và đạt được giải Nhất. Theo cô Hoa, tiếp tục sứ mệnh giúp Dân ca Quan họ Bắc Ninh được trường tồn và lan tỏa, cô không ngừng nâng cao hiểu biết về Dân ca Quan họ và tích cực truyền dạy Quan họ cho các thế hệ sau này.
Trải qua 25 năm thành lập, đến nay, Câu lạc bộ Quan họ Thị Cầu vẫn hàng ngày ươm mầm tình yêu Dân ca Quan họ cho lớp lớp các thế hệ. Những làn điệu Quan họ mượt mà, đằm thắm cùng niềm đam mê, nhiệt huyết của các thành viên câu lạc bộ đã góp phần gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh, để Dân ca Quan họ trường tồn và lan tỏa.
Để động viên, khích lệ các làng Quan họ, câu lạc bộ Quan họ tiếp tục đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh, từ năm 2019, tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ mỗi làng Quan họ gốc trong tỉnh 30 triệu đồng/lần/năm; làng Quan họ thực hành trong tỉnh được hỗ trợ 20 triệu đồng/lần/năm. Qua đó, giúp các câu lạc bộ có thêm nguồn kinh phí mua sắm các trang, thiết bị hoạt động, tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu, mở lớp truyền dạy Quan họ.