Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tạo những điều kiện để tuổi trẻ Vĩnh Long phát huy sức trẻ, tính tiên phong, tích cực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh; mạnh dạn giao nhiệm vụ để tổ chức Đoàn phấn đấu, cống hiến và trưởng thành.
Ngày 13/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 20/5/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Thành Thế yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, xem đây là nhân tố, tiền đề quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Các cấp, ngành đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc triển khai có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Các cấp, ngành nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các giá trị về văn hóa và chuẩn mực con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng văn hóa con người.
Ngoài ra, các cấp, các ngành huy động sức mạnh toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh, khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa quê hương; chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở và quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
Về tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên, ông Nguyễn Thành Thế yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thường xuyên tổ chức các diễn đàn để gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc, đối thoại với thanh niên, qua đó cấp ủy kịp thời nắm bắt tình hình trong thanh niên. Các đơn vị tăng cường và đa dạng hóa các hình thức giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Đoàn Thanh niên, các tổ chức thanh niên đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên.
Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất để tuổi trẻ Vĩnh Long phát huy sức trẻ, tính tiên phong, sáng tạo, tích cực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh; mạnh dạn giao việc, giao nhiệm vụ để tổ chức Đoàn phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chỉ thị số 13-CT/TU, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có những chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh ủy xác định, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, từ đó đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long bảo đảm sát với yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 98,8% hộ gia đình đạt văn hóa và 100% ấp (khóm, khu phố) đạt chuẩn văn hóa; 17/20 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 85%. Bên cạnh đó, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục tập quán của đồng bào dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Tỉnh Vĩnh Long hiện có 68 di tích được xếp hạng, trong đó có 55 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 13 di tích cấp quốc gia; có 4 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên được tỉnh gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với các phong trào Đoàn, Đội, đặc biệt là chú trọng giáo dục thanh niên nâng cao nhận thức về các giá trị chân, thiện, mỹ, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; định hướng, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành./.