Xã hội

Về 'Thủ đô khu giải phóng' Tân Trào dịp tháng Tám lịch sử

Tuyên Quang

Chỉ tính riêng trong tháng 8, Khu di tích đã đón hơn 90 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nâng tổng số khách tham quan Khu di tích từ đầu năm 2023 đến nay lên hơn 467 nghìn lượt người.

Đình Tân Trào - nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam trong Cách mạng Tháng Tám. (Ảnh: Vũ Quang/TTXVN)

TTXVN - Trong dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2023), lượng khách về tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang tăng cao so với các thời điểm khác trong năm.

Theo Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, chỉ tính riêng trong tháng 8, Khu di tích đã đón hơn 90 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nâng tổng số khách tham quan Khu di tích từ đầu năm 2023 đến nay lên hơn 467 nghìn lượt người.

Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào, qua đó xây dựng Khu di tích trở thành trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của cả nước gắn với phát triển du lịch, tỉnh Tuyên Quang đã quyết định đầu tư 95 tỷ đồng thực hiện Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Dự án sẽ xây dựng và tôn tạo một số hạng mục như: Hệ thống trưng bày Bảo tàng ATK Tân Trào; tôn tạo di tích lán Hang Bòng (tôn tạo lán ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mở rộng đường vào di tích; xây mới nhà vệ sinh; tôn tạo đường lên lán; lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy và loa phát tự động); tôn tạo di tích hang Thia; tôn tạo Cụm di tích ATK - Kim Quan; tôn tạo cụm di tích Nà Nưa; phục hồi, tôn tạo Khu di tích Khấu Lấu - Vực Hồ; tôn tạo Khu di tích Minh Thanh, tôn tạo tổng thể hạ tầng kỹ thuật khu di tích; trồng cây xanh tạo cảnh quan; xây dựng nhà ở, làm việc và các hạng mục phụ trợ của cán bộ, viên chức, người lao động Bảo tàng ATK Tân Trào…

Bên cạnh đó, với mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực miền núi phía Bắc, tỉnh đẩy mạnh các giải pháp quảng bá du lịch, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 2.000 lượt, tổng thu từ du lịch đạt trên 600 tỷ đồng.

Nhờ vị trí chiến lược quan trọng cùng những điều kiện thuận lợi, trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Tân Trào được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn là “Thủ đô Khu giải phóng” - nơi diễn ra những sự kiện có ý nghĩa quyết định với vận mệnh của dân tộc: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca…

Ngày nay, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời là điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Tuyên Quang.

Năm 2022, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đón 750 nghìn lượt khách tham quan, chiếm hơn 30% lượng khách du lịch đến Tuyên Quang. Năm 2023, ngành Du lịch Tuyên Quang phấn đấu thu hút trên 2,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng./.

PV

Xem thêm