Xã hội

Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp khắc phục tình trạng ngập do mưa

TP. Hồ Chí Minh

Thành phố đã thực hiện được 5/18 điểm ngập; trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục giải quyết 13 điểm còn lại. Tuy nhiên, để giải quyết được toàn bộ 13 điểm ngập này, Thành phố dự kiến cần thực hiện 9 dự án với tổng mức đầu tư là 3.413 tỷ đồng.

Nước ngập trên đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

TTXVN - Liên tục nhiều trận mưa lớn trong những ngày qua đã làm hàng loạt tuyến đường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngập sâu, gây khó khăn cho sinh hoạt, đi lại của người dân. Tuy nhiên, nhiều dự án, công trình chống ngập; dự án di dời nhà ven kênh rạch để cải tạo hệ thống thoát nước của Thành phố vẫn chưa được triển khai hoặc còn đang dở dang. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có hướng xử lý để sớm đưa các công trình, dự án đi vào hoạt động, giải quyết tình trạng ngập do mưa trên địa bàn Thành phố.

Tại cuộc họp của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 31/8 cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Hiếu có đề cập đến việc triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết tình hình ngập úng. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay, tình hình ngập nước do mưa bão tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được cải thiện đáng kể, góp phần cải thiện đời sống của người dân; đặc biệt là những nơi ngập rất nặng mỗi khi có mưa như khu vực bùng binh Cây Gõ, chợ Tân Định và nhiều khu vực khác. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình hình ngập nước cần có lộ trình và kế hoạch triển khai từng năm phù hợp với điều kiện của Thành phố.

Để giảm ngập nước trong thời gian tới, UBND Thành phố đã ban hành “Đề án Chống ngập và xử lý nước thải Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2045” và “Kế hoạch Chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 – 2030” tại Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 25/1/2021; trong đó đề ra 4 nhóm giải pháp phi công trình và một nhóm giải pháp công trình. Các sở, ban, ngành Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện công tác chống ngập theo đề án này với mục tiêu đề ra đến năm 2025, Thành phố sẽ giải quyết 18 tuyến trục chính thường xuyên ngập nước.

Đến nay, Thành phố đã thực hiện được 5/18 điểm ngập; trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục giải quyết 13 điểm còn lại. Tuy nhiên, để giải quyết được toàn bộ 13 điểm ngập này, Thành phố dự kiến cần thực hiện 9 dự án với tổng mức đầu tư là 3.413 tỷ đồng. Theo phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư trung hạn tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025 được UBND Thành phố thông qua hiện nay, dự kiến có 5/9 dự án được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn với tổng mức đầu 784,4 tỷ đồng để giải quyết thêm 9/18 điểm ngập. Như vậy theo kế hoạch này thì đến năm 2025, Thành phố sẽ chỉ giải quyết được 14/18 điểm ngập; do đó để đảm bảo giải quyết được toàn bộ 18 điểm ngập, Thành phố cần nguồn vốn bổ sung 2.628,6 tỷ đồng.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung giải quyết ngập tại 3 khu vực trọng điểm, gồm thành phố Thủ Đức (chợ Thủ Đức, khu vực phường Thảo Điền); quận Gò Vấp và khu vực quận Tân Phú – Bình Tân. Riêng dự án Giải quyết ngập do triều cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) hiện khối lượng thi công đã đạt được 93,33%. Sau khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết ngập do triều cường tại khu vực trung tâm và phía Nam Thành phố, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Về công tác di dời nhà trên và ven, kênh rạch để tiến hành cải tạo các kênh thoát nước, tại Quyết định số 3837/QĐ-UBND ngày 10/11/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giai đoạn năm 2021-2025 sẽ hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng. Việc này nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên đến đến hết quý II/2023, toàn Thành phố chỉ mới bồi thường, giải phóng mặt bằng dược 657 căn trên tổng số 6.500 căn theo kế hoạch.

Về vấn đề này, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Hiếu cho biết, Sở đang sơ kết 2 năm thực hiện công tác di dời nhà trên và ven kênh, rạch. Tình hình chung hiện nay cho thấy, mặc dù các dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch để thực hiện chỉnh trang đô thị kết hợp giải quyết tiêu thoát nước nhằm chống ngập được đề xuất với lãnh đạo Thành phố nằm trong danh mục các dự án trọng điểm, cấp thiết phải đầu tư nhưng trên thực tế, so với các dự án hạ tầng, công ích khác thì không phải cấp bách, ưu tiên hàng đầu.

Nguyên nhân là do ngân sách của Thành phố chủ yếu phân bố tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông, hạn chế ưu tiên vốn cho các dự án không có mặt bằng “sạch” hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường. Theo đó, chủ trương chung của Thành phố đối với các dự án không nằm trong nhóm ưu tiên là huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư, giảm thiểu chi từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các tuyến kênh, rạch lại thường có khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, không thực hiện mở rộng biên chỉnh trang nên không có giá trị thương mại, không thu hút được nhà đầu tư, chủ yếu vẫn phải dựa vào vốn bồi thường nên đa số các dự án chưa được bố trí vốn hoặc giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư...

Từ nay đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu thực hiện công tác di dời nhà trên và ven kênh, rạch cho khoảng 2.500 căn thuộc 6 dự án: Dự án chống sạt lở Bán đảo Thanh Đa giai đoạn 3; Dự án nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm; Dự án xây dựng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; Dự án cải tạo kênh A41; Dự án cải tạo tuyến mương Nhật Bản và Dự án cải tạo rạch Bà Tiếng. Sau khi Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự kiến tăng thêm trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Thành phố sẽ bố trí kế hoạch bố trí vốn đầu tư công cho các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch cũng như những dự án mang tính cấp bách khác thuộc các lĩnh vực thoát nước, cây xanh, chiếu sáng./.

Hồng Giang

Xem thêm