Những ngày tháng Bảy, khi cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên (Tuyên Quang) trở thành điểm đến linh thiêng với những bước chân lặng lẽ nhưng nặng trĩu nghĩa tình và sự tri ân.
Những ngày tháng Bảy, khi cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên (Tuyên Quang) trở thành điểm đến linh thiêng với những bước chân lặng lẽ nhưng nặng trĩu nghĩa tình và sự tri ân. Từ mọi miền Tổ quốc, thân nhân liệt sỹ, cựu chiến binh, cán bộ, chiến sỹ và đông đảo người dân về đây để thắp nén tâm hương, cúi đầu tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì đất nước.
* Cuộc hẹn tháng Bảy
Nằm bên dãy Tây Côn Lĩnh - nơi từng là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 -1989), Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên hiện là nơi yên nghỉ của 1.951 phần mộ liệt sỹ và 1 mộ tập thể.
Trời vừa sáng, những đoàn người đầu tiên đã có mặt, bước nhẹ trên con đường vào Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên. Họ lặng lẽ chuẩn bị hương hoa, xếp hàng ngay ngắn vào thăm viếng nghĩa trang. Nắng rát đầu hay cơn mưa bất chợt đều không ngăn được bước chân của những người về với Vị Xuyên.
Trong dòng người ấy, ông Nguyễn Văn Hiệp (Phú Thọ) cùng người thân trong gia đình đến bên mộ anh trai là liệt sỹ Nguyễn Văn Đạo. Mọi người lặng lẽ quét dọn, lau những áng bụi trên tấm bia mộ. Rơm rớm nước mắt, ông Hiệp chia sẻ: “Ngày anh ấy hy sinh, bố mẹ, anh chị em tôi như chết lặng. Cũng vì hoàn cảnh, mãi sau này gia đình mới biết anh được quy tập về đây. Từ đó đến nay, năm nào tôi cùng gia đình cũng lên thắp hương cho anh vào tháng Bảy. Với tôi, đây là cuộc hẹn không thể bỏ”. Ánh mắt ông Hiệp dừng lại rất lâu trên hàng chữ khắc tên anh trai mình. Những bông cúc trắng, bó nhang tỏa khói nghi ngút và đôi bàn tay già nua chạm nhẹ lên tấm bia đá lạnh. Tất cả như nói lên nỗi nhớ thương âm thầm suốt mấy chục năm chưa nguôi . . .
Vị Xuyên hôm nay, trời càng về trưa càng oi bức. Vừa bước tới con đường dẫn vào khu nghĩa trang, ông Nguyễn Kim Toàn (75 tuổi, xã Đông Anh, Hà Nội) - cựu chiến binh từng trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên đã rơm rớm nước mắt. Ông trở về thăm đồng đội, lặng lẽ ngồi bên những ngôi mộ liệt sỹ. Mỗi năm, cứ đến dịp tháng Bảy, ông lại khăn gói lên đây, mang theo bó hương, vài lá thư cũ cùng tấm ảnh bạc màu chụp chung với đồng đội thời còn trong đơn vị. Dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn đi như một lời hẹn chưa từng quên.
Ông Toàn bùi ngùi kể lại: “Đồng đội tôi giờ nằm lại đây. Tôi may mắn sống sót. Trở lại nghĩa trang là tôi thực hiện lời hứa năm xưa: Sống thì cùng chiến đấu, chết thì cùng nằm lại. Tôi còn sống là phải lên thăm anh em”.
Mỗi lần đến đây, ông Toàn lại đi dọc các dãy mộ, đọc tên từng người như một cách điểm danh. Với ông, những chuyến trở về không chỉ để tưởng niệm mà còn là dịp kể lại cho thế hệ sau về một thời máu lửa để họ hiểu độc lập hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của biết bao người lính.
Trong không khí trang nghiêm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên, cùng với nén hương thơm là những tấm lòng thành kính, biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trên những tấm bia khắc tên liệt sỹ, nhiều người trong số họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đứng trước những hàng mộ liệt sỹ, thế hệ trẻ lực lượng Công an nhân dân càng thấm thía giá trị của hòa bình và trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Thiếu tá Nguyễn Huy Du, Phó Trưởng Công an xã Yên Phú (Tuyên Quang) xúc động chia sẻ: “Sự hy sinh của các anh là động lực để chúng tôi sống xứng đáng hơn, cống hiến nhiều hơn. Ghi nhớ công ơn ấy, chúng tôi không ngừng rèn luyện, tu dưỡng và hứa sẽ tiếp bước cha anh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân".
* Kết nối ký ức, tiếp nối đạo lý tri ân
Để phục vụ người đến viếng nghĩa trang, đặc biệt trong dịp cao điểm tháng Bảy, Ban quản lý nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên đã có sự chuẩn bị từ nhiều tuần trước; từ việc phân công trực, chuẩn bị hương hoa, chỉnh trang lại khuôn viên đến việc hỗ trợ thân nhân tra cứu thông tin phần mộ liệt sỹ. Tất cả đều được thực hiện một cách tận tình, trách nhiệm.
Ông Trần Thanh Tuấn, Phó Ban Quản lý nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên cho biết, Ban Quản lý bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, chia ca để đón tiếp các đoàn. Nhiều thân nhân liệt sỹ từ Hà Nội, Hải Phòng hay các tỉnh miền Trung Nghệ An, Quảng Trị và đồng bào miền Nam xa xôi lặn lội ra đây; có người lần đầu tiên tìm được mộ người thân sau hơn 30 năm. Những khoảnh khắc ấy thực sự xúc động. Không chỉ làm công việc quản lý, đơn vị còn là người kết nối ký ức, tiếp nối đạo lý tri ân.
Ban Quản lý đã đưa vào sử dụng hệ thống tra cứu điện tử giúp thân nhân dễ dàng tìm kiếm phần mộ liệt sỹ. Ngoài ra, công tác vệ sinh môi trường, tu bổ cảnh quan luôn được chú trọng, tạo nên không gian trang nghiêm, ấm cúng và sạch đẹp trong khuôn viên nghĩa trang.
Từ sáng sớm đến chiều tà, dòng người vẫn lặng lẽ bước đi bên những ngôi mộ liệt sỹ, không ai gọi tên ai nhưng tất cả đều thầm nhắc đến hai tiếng “tri ân”. Những nén hương cháy đỏ, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, đó là minh chứng bất diệt cho đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam “Tổ quốc ghi công, nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ”…/.
- Từ khóa:
- Vị Xuyên
- ký ức
- Tuyên Quang