Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2030, chăm lo tốt về nhà ở cho 100% người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ngày 19/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt các văn bản của Trung ương và Tỉnh ủy theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 164 điểm cầu trong toàn tỉnh.
Các đại biểu được quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cùng với đó là Kế hoạch số 314-KH/TU của
Tỉnh ủy Vĩnh Long thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới ở tỉnh; Kế hoạch số 295-KH/TU của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Chương trình số 56-CTr/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, Vĩnh Long tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội; nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, xây dựng 5.900 căn nhà ở xã hội, đầu tư ít nhất 100 căn nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đầu tư công. Đồng thời, tỉnh chăm lo tốt về nhà ở cho 100% người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ; xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để phát triển nhà ở xã hội; tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp bất động sản trong nước. Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt thông tin, giai đoạn 2021-2030, tỉnh được giao xây dựng 5.900 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Do ngân sách còn hạn chế nên việc phát triển nhà ở xã hội ở tỉnh chủ yếu từ nguồn xã hội hóa nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. Một số dự án nhà ở xã hội không triển khai hoặc chậm triển khai phải thu hồi đất, nên đến nay tỉnh chỉ triển khai 3 dự án, quy mô 736 căn...
Thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị, Vĩnh Long đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên vùng, kết nối đến khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất tập trung; các tuyến đường tỉnh được đầu tư nâng cấp tối thiểu đạt tiêu chuẩn cấp IV. Tỉnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ với hạ tầng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh theo quy hoạch, dự án liên kết vùng, liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Vĩnh Long phấn đấu đạt 100% người sử dụng truy nhập internet với tốc độ trên 1Gb/s; 55% - 60% mạng cáp viễn thông tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị, tuyến đường cũ được ngầm hóa; tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 30% - 35%; có 331/385 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 86%; tỷ lệ giường bệnh đạt 32 giường bệnh/vạn dân.
Tỉnh ủy Vĩnh Long yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức học tập, quán triệt đảm bảo nghiêm túc, đổi mới, nâng cao chất lượng; tăng cường thông tin, tuyên tuyền sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai và tổ chức thực hiện./.