Pháp luật

Vun đắp tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư

Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100 nghìn vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%.

Tổ hòa giải tổ dân phố số 4, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội) gặp gỡ, giải thích để các bên tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Ảnh: Phan Phương

TTXVN - Sự nhiệt tình, trách nhiệm, không ngại khó khăn của các tổ hòa giải, hòa giải viên đã giúp công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần gắn kết khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

*Giải quyết mâu thuẫn từ sớm, từ xa

Cách đây vài tháng, gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc ở tổ dân phố số 4, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội sống trong tâm trạng lo lắng vì tường nhà bị nứt do quá trình xây dựng công trình của nhà hàng xóm. Mặc dù hai bên đã trao đổi nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Vì vậy, gia đình bà Ngọc đã phải nhờ đến tổ hòa giải của tổ dân phố số 4.

Nhận được tin báo, tổ hòa giải tổ dân phố số 4 đã xuống tận nơi để trao đổi, giải thích, động viên các bên tự nguyện thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn, hàn gắn tình làng, nghĩa xóm.

Ông Chu Hữu Hồng, Tổ trưởng tổ hòa giải cho biết, khi nắm bắt được phản ánh, tổ hòa giải đã mời hai bên ra gặp gỡ và trực tiếp xuống hiện trường. Trong phạm vi cho phép, tổ đứng ra hòa giải để hai bên hiểu ra và đã hòa giải thành công, không để xảy ra xích mích giữa hai gia đình.

Không chỉ riêng câu chuyện nhà bà Ngọc, những năm qua, nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình hay trong cộng đồng dân cư đều được tổ hòa giải nắm bắt kịp thời, hòa giải thành công. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết trong khu dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ông Lê Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho biết, các thành viên tổ hòa giải luôn sâu sát, gần gũi, quan tâm đời sống người dân. Vì vậy, những vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân đều được tổ hòa giải tiếp nhận và xử lý nhanh, "thấu tình đạt lý".

Bà Nguyễn Thục Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Nhật Tân đánh giá, các vụ việc hòa giải ở tổ dân phố số 4 hầu như được giải quyết rất kịp thời. Tổ hòa giải đã phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

*Tạo sự đồng thuận xã hội

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến hết năm 2022, cả nước có trên 86 nghìn tổ hòa giải với trên 540 nghìn hòa giải viên. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải trên 100 nghìn vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đạt tỷ lệ hòa giải thành trên 80%.

Ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, với phương châm chuyện to hóa thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không có gì, tinh thần "chín bỏ làm mười", "lá lành đùm lá rách", "anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau" hay "bán anh em xa, mua láng giềng gần", phương thức hòa giải ở cơ sở đã có vai trò, ý nghĩa rất thiết thực, to lớn đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở đã gắn kết cộng đồng, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, từ đó tạo nên sự đồng thuận xã hội. Hòa giải ở cơ sở cũng góp phần giảm thiểu gánh nặng của các cơ quan nhà nước nói chung và đặc biệt là các cơ quan tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn cho người dân.

Với chủ trương tăng cường quyền làm chủ của người dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải ở cơ sở, yêu cầu công tác này phải được tiếp tục quan tâm, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra nhiệm vụ, giải pháp: “Phát huy đúng vai trò giám sát, phản biện xã hội, các hình thức tự quản của cộng đồng, các phương thức hòa giải cấp cơ sở”.

Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 xác định nhiệm vụ: “Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định”.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng phát huy và trở thành phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả từ sớm, từ xa. Việc giải quyết tận gốc những mâu thuẫn góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội; nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết./.

Phan Phương

Tin liên quan

Xem thêm