Xã hội

“Vùng đất chết” Ba Chúc chuyển mình mạnh mẽ

An Giang

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đất và người Ba Chúc đã gánh chịu nhiều mất mát và đau thương. Chiến tranh đi qua, “vùng đất chết” năm xưa nay đã khoác lên mình những gam màu tươi sáng.

Thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 7km. Nơi đây là cái nôi của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa - một tôn giáo nội sinh của tỉnh An Giang, gắn liền với cuộc thảm sát hơn 3.157 người dân vô tội của Tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary và cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Năm mươi năm sau Ngày Giải phóng, “vùng đất chết” năm xưa nay đã khoác lên mình những gam màu tươi sáng, trên nền tảng kinh tế ổn định, phát triển bền vững.

Người dân và du khách tham quan Nhà mồ Ba Chúc. 
Ảnh: Công Mạo - TTXVN

*Vùng đất chết

Sau ngày 30/4/1975, cùng với cả nước, nhân dân Ba Chúc bắt tay vào công cuộc xây dựng lại quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh. Tuy nhiên, nỗi đau chưa kịp nguôi, Tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary lại tiếp tục đẩy mạnh xâm lấn, tấn công vùng biên giới Tây Nam, đánh chiếm vùng đất Ba Chúc của tỉnh An Giang. Chỉ 13 ngày đêm, vùng đất Ba Chúc đã phải chịu đựng 30 cuộc tấn công của lực lượng Khmer Đỏ; hơn 3.157 người dân vô tội bị sát hại, toàn bộ hoa màu, nhà cửa, công trình bị đốt sạch, phá sạch. Ba Chúc hoang tàn như một “vùng đất chết”.

Dẫn chúng tôi thăm Nhà trưng bày chứng tích tội ác của Khmer Đỏ và khu nhà mồ Ba Chúc tại Khu di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc, cựu chiến binh Nguyễn Văn Tư (sinh năm 1955) mắt ngân ngấn lệ cho biết, ông quê ở Vĩnh Long, nhập ngũ năm 1972, tại Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Sau khi giải phóng miền Nam, ông lại tiếp tục tham gia các trận đánh tại chiến trường biên giới Tây Nam. Kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam, ông gặp vợ, rồi cưới và ở lại vùng đất Ba Chúc cho đến hôm nay.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Văn Tư, sau khi Ba Chúc được giải phóng, vùng đất này bị tàn phá không còn gì hết. Những người dân Ba Chúc từng chứng kiến cảnh tượng ấy giờ đều đã già, nhưng hễ cứ nhắc tới cảnh tượng năm xưa, ai cũng phải rùng mình, ghê sợ.

Ngược dòng thời gian, vào những ngày tháng 3 âm lịch năm 1978, Khmer Đỏ cho quân tràn qua biên giới Tây Nam gây tội ác đẫm máu với nhân dân Việt Nam. Trong đó, địa bàn Ba Chúc (cách biên giới Campuchia khoảng 7km) là trọng điểm đánh phá của chúng. Với phương châm "giết sạch, đốt sạch, phá sạch" chỉ trong thời gian rất ngắn, từ ngày 18 đến 30/4/1978, chúng đã thảm sát hơn 3.157 người dân vô tội ở Ba Chúc. Đầu năm 1979, cùng với các tỉnh Tây Nam, quân và dân An Giang đã đánh bật Tập đoàn Pol Pot ra khỏi biên giới, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh lấn chiếm biên giới, trả lại bình yên cho vùng đất này.

* Vươn mình mạnh mẽ

Trở lại Ba Chúc lần này, bức tranh no ấm của một thị trấn vùng biên đã thêm những sắc màu tươi mới. Đường tỉnh 949 từ trung tâm huyện Tri Tôn vào Ba Chúc và đường tỉnh 955B từ Ba Chúc kết nối đến Quốc lộ N1, đi Hà Tiên (Kiên Giang) đã được mở rộng, thảm bê tông nhựa thẳng tắp. Hai bên đường, các khu du lịch, cơ sở lưu trú được đầu tư xây dựng khang trang. Khách du lịch đổ về Ba Chúc ngày một đông; nhịp sống hiện đại lan tỏa khắp các ngả đường của thị trấn Ba Chúc.

Một góc Chùa Tam Bửu - di tích lịch sử cấp quốc gia, trung tâm của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, toạ lạc tại hóm An Định A, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. 
Ảnh: Công Mạo -TTXVN

Gặp chúng tôi tại Chùa Tam Bửu (nằm trong quần thể Khu di tích nhà mồ Ba Chúc), cựu chiến binh Lê Văn Mộng (quê ở thị trấn Ba Chúc) - người từng trực tiếp tham gia các trận đánh đổi quân diệt chủng Pol Pot giải phóng quê hương phấn khởi nói, thị trấn Ba Chúc hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Ngày xưa, khi mới về phục viên cuộc sống rất vất vả, hai vợ chồng phải đi làm mướn, làm thuê để kiếm sống và nuôi con ăn học. Sau này, gia đình ông được Đảng, Nhà nước hỗ trợ chính sách nên đã cất được nhà kiên cố, có điện, có nước, có cả Wifi… đầy đủ.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đất và người Ba Chúc đã gánh chịu nhiều mất mát và đau thương. Cuộc chiến đi qua, người dân về lại vùng đất này, mang sức người xây dựng quê hương.

Ông Phan Bá Phước, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc cho biết, thời gian qua với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân, vùng đất Ba Chúc đã có bước vươn mình mạnh mẽ. Từ một miền quê hoang tàn, đổ nát, Ba Chúc đã trở thành một thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn; có trường mầm non đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; trường trung học phổ thông có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm; nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học… Đến cuối năm 2024, số hộ nghèo của thị trấn Ba Chúc chỉ còn 1,7% (76 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 74 triệu/người/năm; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91%; 100% hộ gia đình sử dụng điện, nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Ông Chau Yêm (ngụ thị trấn Ba Chúc) vui mừng vì được Nhà nước hỗ trợ cặp bò sinh sản, giúp gia đình phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo. 
Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ba Trúc Phan Bá Phước, với địa hình bán sơn địa, thị trấn có nhiều lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Đặc biệt, với núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn) kỳ vĩ, trải dài từ xã Lê Trì qua thị trấn Ba Chúc, xã Lương Phi, xã Châu Lăng… rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

Bên cạnh đó, Ba Chúc có cụm di tích chùa Tam Bửu - Phi Lai là trụ sở của Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo nội sinh có lịch sử hình thành và tồn tại lâu đời, gắn với công lao Đức Bổn sư Ngô Lợi. Nơi đây còn có Nhà mồ Ba Chúc, ngoài giá trị lưu giữ tội ác chiến tranh, còn là điểm tham quan thu hút khách du lịch… Ba Chúc còn có những đặc sản như: Bánh phồng mì, đệm bàng, chao môn… đã và đang được xây dựng thành các sản phẩm OCOP, trở thành những động lực phát triển mới cho kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Chia sẻ về hướng phát triển thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Ba Chúc cho hay, chặng đường phía trước để thị rấn bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống quê hương cách mạng, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị trấn Ba Chúc được xác định trở thành đô thị loại IV và trở thành đô thị thương mại dịch vụ, du lịch văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái của huyện Tri Tôn vào năm 2035.

Trên hành trình vươn mình phát triển, trở thành “điểm trung chuyển” hàng hóa, kết nối các khu điểm du lịch nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ như thành phố biển Hà Tiên (Kiên Giang), khu du lịch Chùa bà Chúa Xứ Núi Sam, Núi Cấm (An Giang)… của thị trấn Ba Chúc hôm nay thể hiện rõ tấm lòng sắt son, thủy chung đối với Đảng và cách mạng trên vùng đất anh hùng./.


Công Mạo

Xem thêm