Thực thi chính sách

Xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển mới

Ninh Thuận

Qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, phát biểu tại Hội nghị. 
Ảnh: Công Thử/ TTXVN

TTXVN - Sáng 25/4, Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tại hội nghị, Tỉnh ủy đề ra nhiều giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt và hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW; hướng đến xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, trọng tâm là đạo đức và lối sống, có trí tuệ, tri thức, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, của đất nước.

Theo báo cáo của Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, qua 10 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm thường xuyên; chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn hiện nay. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Môi trường văn hóa, các thiết chế văn hóa tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới…, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được bảo tồn và phát huy.

Kết quả cho thấy, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 395/397 thôn, khu phố và 553/571 cơ quan, đơn vị văn hóa; 24/65 xã, phường có Trung tâm Văn hóa -Thể thao; 2 huyện, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 57/65 xã, phường có đài truyền thanh; 100% hộ gia đình được nghe, xem thông tin phát thanh, truyền hình...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa tại Ninh Thuận còn nhiều bất cập; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, di tích lịch sử cách mạng còn chậm, thiếu; công tác bảo tồn, trùng tu các di tích chưa được đầu tư đúng mức, kịp thời. Chất lượng các hoạt động, dịch vụ văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Các biểu hiện thiếu văn minh, văn hóa trong kinh doanh, dịch vụ, giao tiếp, ứng xử, tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, thiếu bền vững, nặng bề nổi, chưa đi vào chiều sâu. Việc xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước văn hóa cộng đồng, văn hóa công sở, công nhận gia đình văn hóa đôi khi chưa đi vào thực chất...

Các đại biểu dự hội nghị.
Ảnh: Công Thử/TTXVN

Tại hội nghị, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận nhấn mạnh: Để khắc phục những hạn chế, thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết số 33-NQ/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể của tỉnh cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, quyết tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân về khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh; phát huy giá trị, vai trò và sức mạnh văn hóa, tinh thần cống hiến của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo nguồn lực nội sinh và động lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Ông Phạm Văn Hậu nêu rõ, phát triển văn hóa phải luôn đặt ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, tỉnh xác định, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và lối sống đẹp, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học; tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo, tri thức, trí tuệ, phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân; xây dựng con người Ninh Thuận trong thời kỳ mới gắn với giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống với giá trị thời đại.

Tỉnh cũng xây dựng và phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, đời sống văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, địa phương trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ủy Ninh Thuận tiếp tục tăng cường xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là nhân tố hàng đầu trong xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Thành Công Thử

Xem thêm