Giáo dục

Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm

Vĩnh Long

Việc triển khai thực hiện chủ đề: “Trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm” đã tạo thay đổi lớn về môi trường giáo dục.

Thực hiện chủ đề năm học “Trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều đổi mới trong cách tổ chức dạy và học nhằm hướng đến ba yếu tố cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Phong trào được toàn cấp học hưởng ứng và quyết tâm thực hiện; qua đó tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non, đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng môi trường giáo dục và xã hội tốt đẹp, giúp trẻ cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

Sân chơi ngoài trời cho trẻ của Trường Mầm non Hoa Sen (phường 2, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). 
Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

*Trẻ chơi mà học, học bằng chơi

Xác định giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã có những đổi mới trong phương pháp giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, lấy hoạt động vui chơi làm chủ đạo với phương châm “trẻ chơi mà học, học bằng chơi”.

Tại Trường Mầm non Hoa Sen (phường 2, thành phố Vĩnh Long), nhà trường chú trọng xây dựng trường học như ngôi nhà thứ hai của trẻ. Ở trường, trẻ cùng nhau tham gia các hoạt động vui chơi, tự tin thể hiện năng lực bản thân và cảm xúc đối với mọi người xung quanh. Để đạt được điều này, nhà trường đã tập trung xây dựng cảnh quan trường học an toàn và thân thiện cho trẻ. Bên trong lớp học được trang bị đầy đủ các đồ dùng đồ chơi, góc học tập và vui chơi; trường chú trọng không gian vui chơi ngoài trời thông thoáng, gần gũi với thiên nhiên thông qua việc xây dựng khuôn viên vườn rau, ao cá…

Trẻ em Trường Mầm non Hoa Sen (phường 2, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cùng tham gia bữa cơm gia đình. 
Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Cùng với các hoạt động chăm sóc, giáo dục thể chất và kỹ năng cho trẻ, hàng tuần, nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm chăm sóc “Vườn rau của bé”; qua đó, các giáo viên đã dạy cho trẻ biết tên các loại cây, đặc điểm và cách nhận dạng các loại cây thường gặp và hướng dẫn các cháu chăm sóc vườn rau. Nhờ đó, trẻ có không gian vui chơi, hoạt động ngoài trời, được trải nghiệm làm quen với thế giới thực vật sinh động. Định kỳ hàng tháng, Trường Mầm non Hoa Sen tổ chức phiên chợ quê với nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú cho các bé. Với sự chuẩn bị chu đáo, hình ảnh phiên chợ quê được tái hiện rất rõ nét trong khuôn viên nhà trường. Tham gia phiên chợ quê, các cô giáo và trẻ đã cùng đi chợ mua sắm ở các gian hàng và trải nghiệm làm người bán hàng, người mua hàng, cùng nhau tham gia các trò chơi vận động và trò chơi dân gian…

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen Trần Thị Đào Thu cho biết: “Vui chơi ngoài trời là một trong những hoạt động mà trẻ hứng thú nhất, mang lại nhiều niềm vui và kiến thức. Trẻ nhận thức được thế giới xung quanh bằng cách tiếp xúc, khám phá và quan tâm đến những gì xảy ra ở cuộc sống xung quanh mình. Việc tham gia các hoạt động ngoài trời giúp trẻ được “chơi mà học - học mà chơi” một cách tự nhiên và thoải mái, cảm nhận được “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Việc triển khai xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm đã thể hiện sự quan tâm đến trẻ nhiều hơn, mối quan hệ giữa cô và trẻ cũng được ưu tiên hàng đầu, tạo ra môi trường học tập tích cực, thân thiện cho học sinh và tạo dựng được niềm tin của phụ huynh”.

Bên cạnh xây dựng ngôi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, các cơ sở giáo dục mầm non cũng duy trì và thúc đẩy mối quan hệ phụ huynh, quan tâm xây dựng môi trường xã hội để tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp, tự tin bày tỏ năng khiếu, tình cảm của bản thân. Cô Nguyễn Thị Xuân Thủy, Phó hiệu trưởng  Trường Mầm non Hoa Lan (Phường 1, thành phố Vĩnh Long) cho biết, hàng năm nhà trường đều phối hợp với Ban Đại diện Cha mẹ học sinh tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, ngoại khóa bổ ích để trẻ tham gia, khuyến khích sự đồng hành của phụ huynh. Theo đó, trong các ngày lễ khai giảng, ngày hội thể dục thể thao, Tết trung thu, lễ ra trường của học sinh khối lá...đều có nhiều hoạt động để trẻ tham gia. Nhà trường cũng tổ chức một số hoạt động để trẻ được khám phá, trải nghiệm như đi tham quan đơn vị phòng cháy chữa cháy, tham quan trường tiểu học, tham gia Chương trình "Tôi yêu Việt Nam"… Việc tham gia các hoạt động và có cơ hội trải nghiệm, thể hiện bản thân đã giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, cởi mở trong giao tiếp với những người xung quanh. Các phương pháp dạy học đang từng ngày đổi mới đã mang lại những trải nghiệm hấp dẫn, tạo được sự thích thú, hăng say của trẻ khi đến trường.

Bé Trần Lê Bảo Ngọc (Lớp Lá 2 - Trường Mầm non Hoa Lan) phấn khởi khoe: “Ở trường con được chơi với các bạn ở góc họa sỹ, góc ca sỹ. Con được gặp các chú lính cứu hỏa, cảnh sát giao thông. Con nhớ lời cô và các chú lính cứu hỏa, cảnh sát giao thông dạy”.

*Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng

Phong trào thi đua “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm” đang được lan tỏa trong các cơ sở giáo dục mầm non tỉnh Vĩnh Long, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong việc tổ chức, xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục phù hợp điều kiện cụ thể của trường, lớp, địa phương.

Là ngôi trường mầm non ở xã nông thôn thuộc huyện Bình Tân, Trường Mầm non Sơn Ca (xã Tân Lược, huyện Bình Tân) đã khắc phục những khó khăn, chú trọng xây dựng cảnh quan trường xanh - sạch - đẹp, hướng đến môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Để xây dựng được môi trường học tập hạnh phúc cho trẻ, nhà trường xác định trước hết đội ngũ cán bộ quản lý phải thật sự thay đổi về tư duy, phát huy tính sáng tạo. Bên cạnh đó, trường chú trọng đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.

Cô giáo Trường Mầm non Sơn Ca (phường Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) hướng dẫn trẻ thu hoạch hạt để nhân giống hoa. 
Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Cô Giảng Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca chia sẻ: “Trong xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm thì cơ sở vật chất phù hợp, đầy đủ sẽ giúp trẻ thỏa mãn về nhu cầu vui chơi học tập, tuy nhiên vẫn đòi hỏi vai trò lớn của giáo viên. Bằng kinh nghiệm và sự đổi mới phương pháp trong hoạt động giáo dục, giáo viên sẽ là người đồng hành, giúp trẻ cởi mở, sáng tạo và chủ động hơn trong mọi hoạt động. Hướng tới mục tiêu xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm, thời gian tới, trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên, nhân rộng cách làm hay trong nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn và hạnh phúc, tạo điều kiện cho trẻ có nhiều hoạt động, trải nghiệm khám phá và phát huy năng lực từ khi mới đến trường”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, nhằm tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, Sở đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chủ đề năm học: “Trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”. Trong năm học vừa qua, ngành đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đồng thời tổ chức các hội giảng, hội thảo để rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hay phù hợp với điều kiện từng trường. Qua thực hiện, các cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng được môi trường vật chất và môi trường xã hội an toàn và thân thiện với trẻ, đồng thời đổi mới việc tổ chức các hoạt động theo phương châm: “học thông qua vui chơi, trải nghiệm” để tăng cường cơ hội thực hành, khám phá, trải nghiệm, phát triển toàn diện cho trẻ.

Trẻ em Trường Mầm non Hoa Lan tham gia hoạt động nhóm trong chuyến tham quan và trải nghiệm một ngày làm lính cứu hỏa. 
Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận cho biết, việc triển khai thực hiện chủ đề: “Trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm” đã tạo thay đổi lớn về môi trường giáo dục; đặc biệt, nhận thức, kỹ năng trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc giáo trẻ của giáo viên và các bộ quản lý được nâng lên. Sự gắn bó giữa giáo viên và phụ huynh, nhà trường với gia đình đã chặt chẽ hơn, từ đó tạo được sự đồng thuận, góp phần chăm sóc và nuôi dạy trẻ hiệu quả hơn.

Với những kết quả đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long hướng tới xây dựng môi trường giáo dục hạnh phúc, an toàn, thân thiện, luôn lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện cho trẻ có nhiều cơ hội hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát huy năng lực, sở trường từ khi mới đến trường để phát triển toàn diện; phát huy vai trò của giáo viên trong việc tổ chức hoạt động, chỉ dẫn, hỗ trợ cho trẻ, từ đó tạo cơ hội để trẻ vui chơi và phát huy năng lực, bộc lộ hết khả năng của riêng mình./.

Lê Thúy Hằng

Xem thêm