Xã hội

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và giáo dục mầm non

Điện Biên

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà giáo trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số vấn đề như chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng.

Cô giáo Nguyễn Thị Phúc, Hiệu Trưởng Trường Mầm non 7/5, thành phố Điện Biên Phủ phát biểu tại buổi làm việc. 
Ảnh: Phan Quân/TTXVN

TTXVN - Chiều 10/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên về việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 tuổi đến 5 tuổi.

Báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho thấy, mạng lưới trường, lớp mầm non của Điện Biên đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất có 1 trường mầm non công lập. Tính đến tháng 3/2024, toàn tỉnh có 168 trường mầm non với 808 điểm trường lẻ và 2.453 nhóm, lớp. Tổng số trẻ đi học là 56.237 trẻ. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ đi học đạt 46,07%; mẫu giáo đạt 99,8%; riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,93%. Toàn tỉnh hiện có 2 trường mầm non tư thục, 6 nhóm trẻ độc lập với 23 nhóm, lớp và 360 trẻ đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non này. 100% nhóm, lớp được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày; 100% số đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ trẻ 3 tuổi, 4 tuổi ra lớp trong những năm gần đây đều đạt từ 99% trở lên...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà giáo trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số vấn đề như chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nhà giáo; chính sách đãi ngộ, khen thưởng và kỷ luật; chế độ, chính sách ưu tiên, ưu đãi khác…

Các đại biểu cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến chế độ đãi ngộ, lương, thai sản; phụ cấp và phúc lợi đối với nhà giáo; kiến nghị về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật trong xây dựng, quản lý và phát triển nhà giáo… Đồng thời, đề nghị xem xét ban hành Luật Nhà giáo, sửa đổi tuổi về hưu đối với giáo viên mầm non là nữ (đề xuất: 55 tuổi); đề nghị cần có Đề án riêng đầu tư về cơ sở vật chất để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vì hiện nay các đề án, chương trình của cấp học mầm non đều lồng ghép các nguồn vốn nên khó thực hiện.

Một số ý kiến cho rằng, cần có chính sách miễn học phí đối với trẻ ở các độ tuổi thực hiện phổ cập; nâng mức hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo và có chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ, làm tiền đề cho việc đảm bảo chất lượng giáo dục trẻ mẫu giáo ở vùng dân tộc thiểu số.

Đối với giáo viên, các đại biểu đề nghị có chính sách hỗ trợ tiền đi lại cho giáo viên dạy ở các điểm trường lẻ (do giao thông đi lại khó khăn, điểm trường lẻ cách xa điểm trường trung tâm); nâng mức hỗ trợ cho giáo viên dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở điểm trường lẻ bằng 40% mức lương cơ sở; hỗ trợ cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác phổ cập giáo dục…

Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Điện Biên đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về nhà giáo và chính sách, pháp luật đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 tuổi đến 5 tuổi. Đoàn khảo sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến từ cơ sở và sẽ tổng hợp, có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan để xem xét hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục mầm non và các điều kiện bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3 - 5 tuổi./.

Phan Quân

Xem thêm