Tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai đa dạng hóa các sản phẩm; tăng cường liên kết vùng và thu hút đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; mở thêm các tour, tuyến, phát triển những sản phẩm du lịch mới để giữ chân du khách.
TTXVN - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trong quý I/2024, tổng lượt khách du lịch đến địa phương là 370.443 lượt, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế đạt 132.416 lượt. Doanh thu du lịch đạt 261 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch của năm 2024.
Ông Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, để đạt được kết quả trên, ngành Du lịch tỉnh đã tập trung khai thác lợi thế, tận dụng tối đa tiềm năng để thu hút khách du lịch. Tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp như: Đa dạng hóa các sản phẩm; tăng cường liên kết vùng và thu hút đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; mở thêm các tour, tuyến, phát triển những sản phẩm du lịch mới để giữ chân du khách.
Sở đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ các ngôi nhà cổ, các hộ làng nghề khôi phục, nâng cao chất lượng dịch vụ, chuẩn bị phát triển tour, tuyến du lịch mới, kể cả liên kết tour, tuyến với các doanh nghiệp ở Vĩnh Long và Bến Tre. Đặc biệt, tỉnh chuẩn bị mở trở lại tour du lịch Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tạo điểm nhấn du lịch sinh thái - tâm linh đặc trưng của địa phương.
Sở đã phối hợp với địa phương tiến hành giai đoạn II phục dựng lại Di tích lịch sử Đám lá tối trời, xây dựng nơi đây thành Trung tâm lễ hội khu vực phía Đông tỉnh, kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành, các di tích lịch sử - văn hóa tại thị xã Gò Công (như: Đền thờ Trương Định, nhà Đốc Phủ Hải, lăng Hoàng Gia, làng nghề tủ thờ Gò Công…). Đơn vị đã khảo sát tuyến rạch Bà Ngọt (thành phố Mỹ Tho) để đầu tư phát triển tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với khu Quảng trường Hùng Vương - Điền Lan thôn trang - chùa Vĩnh Tràng - làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho và cù lao Thới Sơn để hình thành thêm sản phẩm mới. Vùng phía Tây sẽ sớm khởi động lại điểm nhấn du lịch là lễ hội Văn hóa - Du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp phù hợp tình hình mới...
Tiền Giang hiện có 16 điểm du lịch chính. Mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực mà còn giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tăng thu nhập; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Điển hình như: người dân ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) đã xây dựng và khai thác tốt sản phẩm du lịch mang đậm nét đặc trưng vùng với hơn 1.300 ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản. Tại đây, điểm du lịch Mekong Rustic Sáu Vân có diện tích gần 10 ha với 15 phòng nghỉ đạt chuẩn cho khách có nhu cầu ở qua đêm và tham gia vào các hoạt động sinh hoạt của người dân sông nước miệt vườn. Hợp tác xã dê Tam Hiệp (huyện Châu Thành) được xem như điểm du lịch nông thôn tiêu biểu. Khi đến đây, du khách được chèo xuồng trên kênh rạch, tham quan trại nuôi dê sữa, cho dê ăn, dẫn dê đi dạo cùng nhiều sinh hoạt vui chơi độc đáo và đặc sắc khác...
Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Đề án xây dựng thương hiệu du lịch Tiền Giang (logo và slogan); hỗ trợ các đơn vị truyền thông ghi hình, quảng bá cảnh đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, con người địa phương đến với bạn bè du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, Sở phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, tham gia các sự kiện nhằm hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Theo ông Võ Văn Chiến, thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh tiếp tục hoàn thành việc xây dựng Đề án “Thiết kế nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Tiền Giang”; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển sản phẩm du lịch, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong lĩnh vực du lịch. Đơn vị tăng cường phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn xây dựng du lịch cộng đồng năm 2024; thực hiện khảo sát, rà soát nhu cầu từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn để xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tế.
Địa phương tích cực triển khai Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024; Chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch Cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.
Trong quý II/2024, tỉnh phấn đấu thu hút 400.000 lượt khách du lịch đến địa phương; trong đó, khách quốc tế đạt 100.000 lượt. Doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 307 tỷ đồng./.
- Từ khóa:
- Xây dựng
- khai thác
- sản phẩm du lịch
- đặc trưng vùng