Du lịch

Năm Du lịch Quốc gia 2024: Phát huy tiềm năng du lịch Tủa Chùa, Điện Biên

Điện Biên

Du lịch Tủa Chùa được ví như sơn nữ đang ngủ quên giữa mây trời Tây Bắc cần đánh thức.

TTXVN - Tủa Chùa là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, phần lớn diện tích tự nhiên là đồi, núi cao, độ dốc lớn, giao thông đi lại khó khăn. Thế nhưng miền đất này lại được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Du lịch Tủa Chùa được ví như sơn nữ đang ngủ quên giữa mây trời Tây Bắc cần đánh thức.

* Vùng đất giàu tiềm năng

Theo đánh giá của ngành Du lịch tỉnh Điện Biên, Tủa Chùa là địa phương giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bậc nhất trên địa bàn tỉnh, trong đó, nổi bật với những điểm nhấn ấn tượng như: Rừng thông xã Trung Thu, rừng chè Tuyết Shan cổ thụ Sín Chải, rừng hoa ban Tà Si Láng, cao nguyên đá cổ Tả Phìn… Hệ thống hang động kỳ vĩ với vẻ đẹp hoang sơ rất thuận lợi để phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá. Hiện nay, huyện có 4 hang động được công nhận danh lam thắng cảnh cấp quốc gia gồm, hang Xá Nhè, hang Khó Chua La (xã Xá Nhè), hang pê Răng Ky (xã Huổi Só), hang Thẳm Khến, xã Mường Đun…Tủa Chùa cũng là địa phương có hệ thống ruộng bậc thang đa dạng, độc đáo, đẹp nhất nhì vùng Tây Bắc, tiêu biểu là hệ thống ruộng bậc thang tại cánh đồng Chiếu Tính (xã Tả Phìn), ruộng bậc thang Đề Dê Hu (xã Sính Phình) và cánh đồng mâm nổi tiếng tại Háng Khúa (xã Sín Chải).

Phong cảnh lòng hồ Sông Đà, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa.
Ảnh : Xuân Tư/TTXVN

Tủa Chùa là một trong hai huyện của tỉnh có vùng ngập nước lòng hồ thủy điện Sơn La (cùng với thị xã Mường Lay). Hệ sinh thái vô cùng phong phú, lòng hồ sông Đà đẹp nên thơ được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa Tây Bắc. Đặc biệt, ở khu vực cầu Pa Phông (xã Huổi Só), lưu vực sông uốn lượn có một phần lấn sâu vào nội địa tạo nên “vịnh” nhỏ với vách núi đá dựng đứng như những hòn đảo trong vịnh. Với lợi thế lòng hồ thủy điện giúp Tủa Chùa nằm trong vùng có thể liên kết phát triển du lịch của 3 tỉnh Điện Biên - Sơn La - Lai Châu.

Đây cũng là địa bàn cư trú của 7 dân tộc cùng sinh sống với đa dạng bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc cũng như những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, phong phú tạo nên dấu ấn riêng biệt. Đồng thời là nơi lưu giữ nét văn hóa độc đáo như, không gian văn hóa chợ phiên truyền thống tại các xã Tả Sìn Thàng, Xá Nhè. Chợ phiên thị trấn Tủa Chùa là chợ phiên lớn nhất của huyện vào tối thứ 7 hằng tuần. Các lễ hội như, lễ hội xuân, hội chọi dê... Tủa Chùa còn được biết đến bởi những sản vật vùng cao nổi tiếng như, rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông đà, lợn cắp nách, gà đen...

Giàu tiềm năng, lợi thế nhưng đến nay du lịch Tủa Chùa còn bị bỏ ngỏ, chưa được đầu tư tương xứng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong chuyến khảo sát các điểm du lịch tại huyện Tủa Chùa, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietourist Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, vùng đất này được tạo hóa ban tặng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời. Tủa Chùa mang trong mình nét đẹp hoang sơ, huyền bí hòa quyện như một lực hút hấp dẫn giữ chân du khách khám phá.

Theo UBND huyện Tủa Chùa, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện còn hạn chế, nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Tủa Chùa là huyện miền núi nằm cách xa trung tâm tỉnh, không có quốc lộ đi qua là trở ngại trong phát triển du lịch. Các điểm du lịch chưa được đầu tư đồng bộ, chuyên nghiệp, sản phẩm và dịch vụ bổ trợ còn thiếu, đơn điệu, chưa tạo sức hấp dẫn để du khách kéo dài thời gian lưu trú.

Tủa Chùa còn thiếu sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn có sức hút lớn để giữ chân du khách. Nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu và khả năng kêu gọi đầu tư còn gặp khó khăn. Phong tục, truyền thống văn hóa các dân tộc, các loại nghề thủ công truyền thống chưa được khai thác phục vụ phát triển du lịch.

* Nỗ lực đưa du lịch bứt phá

Ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết, năm 2023, huyện đón trên 22.000 lượt khách tới tham quan, du lịch, trải nghiệm. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2024, huyện Tủa Chùa đón trên 10.000 lượt khách tới tham quan, du lịch. Số lượng du khách tới địa bàn và doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch tăng cao so với giai đoạn trước. Đó là những dấu hiệu tích cực tạo nên tiền đề cho du lịch Tủa Chùa bứt phá trong năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024.

Những bản làng của người dân tộc thiểu số định cư bên lòng hồ.
Ảnh : Xuân Tư/TTXVN

Theo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh từng bước xây dựng Khu du lịch Tủa Chùa cơ bản đáp ứng các tiêu chí trở thành Khu du lịch Quốc gia gắn với phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc phù hợp với lợi thế tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa. Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tủa Chùa khóa XVIII định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương về điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Định hướng đến năm 2030, Tủa Chùa đón trên 40.000 lượt khách, trong đó khoảng 10% khách quốc tế.

Giai đoạn 2018-2022, Tủa Chùa đã thực hiện 13 dự án liên quan đến phát triển du lịch với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Huyện khuyến khích người dân đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu của khách du lịch tới địa bàn; từng bước đa dạng hóa sản phẩm phù hợp tiềm năng, lợi thế của huyện. Huyện hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch văn hóa, khám phá và trải nghiệm chợ phiên, chợ đêm, lễ hội dân gian, Du lịch sinh thái - khám phá, tham quan ngắm cảnh sông Đà, hang động, ruộng bậc thang, cao nguyên đá…

Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa Vùi Văn Nguyện cho biết, huyện xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Huyện phát triển du lịch bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu và gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa các dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Để làm được điều đó, Tủa Chùa tập trung xây dựng sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc trưng thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Đặc biệt, huyện chú trọng đổi mới phương thức, nội dung, đa dạng hóa các hình thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Với lợi thế nằm trong vùng liên kết du lịch, huyện chủ động xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trọng tâm là liên kết phát triển du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La với huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) và thị xã Mường Lay, liên kết với thành phố Điện Biên Phủ và một số huyện trong, ngoài tỉnh phát triển tour du lịch.

Du lịch Tủa Chùa xác định một tầm nhìn mới, một chiến lược phát triển bài bản và khả thi, đó là thay đổi tư duy làm du lịch, cơ cấu lại sản phẩm và thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả. Trong đó, huyện sẽ nỗ lực tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư vào lĩnh vực du lịch của địa phương; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách thông qua chương trình, dự án phát triển du lịch Tủa Chùa.

Với tầm nhìn, chiến lược và giải pháp phù hợp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tủa Chùa đang nỗ lực tạo sự bứt phá để ngành Du lịch địa phương ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, nâng cao giá trị và nâng tầm thương hiệu.../.

Trịnh Xuân Tư

Tin liên quan

Xem thêm