Tết té nước là dịp để nhân dân cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, muôn vật sinh sôi, phát triển.
TTXVN - Lễ hội Tết té nước (Bun Huột Nặm) năm 2024 với nhiều nội dung hấp dẫn đã diễn ra ngày 14/4, tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và hướng đến Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 115 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Điện Biên.
Tết té nước (tiếng Lào là Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào tại xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là Tết truyền thống, đồng thời là một lễ hội chính diễn ra thường niên, góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đồng bào Lào.
Tết té nước còn là dịp để nhân dân cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, muôn vật sinh sôi, phát triển; bỏ đi những điều không may mắn của năm cũ để đón năm mới gặp nhiều may mắn cho các thành viên, gia đình và cộng đồng. Đây là dịp để đồng bào dân tộc Lào nhắc nhở con cháu và cộng đồng luôn đoàn kết, gìn giữ nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tết té nước cũng là dịp để người dân bản sáng tạo, tham gia trò chơi dân gian, thể hiện những điệu dân ca, dân vũ truyền thống và đặc biệt là tục té nước.
Lễ hội Tết té nước năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 13-14/4. Vào ngày 13/4 tại đây đã diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ với các tiết mục đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Chương trình có sự tham gia của đội văn nghệ quần chúng huyện Điện Biên; các thôn, bản ở xã Núa Ngam, đơn vị kết nghĩa và nhiều xã thuộc huyện Điện Biên có cộng đồng dân tộc Lào cư trú.
Đến với lễ hội năm nay, nhân dân và du khách được hòa mình vào các hoạt động như: Lễ cúng, khấn, buộc chỉ cổ tay cầu mong may mắn; trò chơi dân gian; múa lăm vông; tham gia đoàn đi xin nước; cúng thần sông, thần suối; ra suối tắm, té nước lấy may mắn...
Tại Tết té nước năm nay, Ban Tổ chức tạo không gian trưng bày, quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, thủ công mỹ nghệ; ẩm thực dân tộc, sản phẩm nông nghiệp, OCOP của địa phương; cùng với đó là giới thiệu nhiều vật dụng gắn với đời sống văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Lào xã Núa Ngam…/.