Ở các đảo Trường Sa, Đá Tây,… các âu tàu từ lâu đã là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường Trường Sa.
TTXVN - Làm nhiệm vụ trong điều kiện đặc thù nơi đầu sóng ngọn gió, cán bộ, chiến sỹ, công chức, giáo viên… ở Trưởng Sa luôn có sự gắn bó mật thiết, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống. Những ngày ở Trường Sa, chúng tôi còn cảm nhận được cái nghĩa, cái tình nơi đây luôn in đậm qua mỗi ánh mắt, nụ cười. Dù cách trở với đất liền giữa biển khơi mênh mông, Trường Sa từ bấy lâu nay vẫn là nơi “neo đậu” của nghĩa tình quân - dân.
* Nơi “neo đậu” nghĩa tình
Buổi chiều ngày cuối ở đảo Trường Sa, Phó Chỉ huy trưởng đảo, Trung tá Cấn Ngọc Sơn tìm gặp tôi. Anh nhận ra tôi là đồng hương xứ Đoài (thị xã Sơn Tây tỉnh Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội) qua giọng nói lúc ngồi uống trà. Suốt mấy ngày vừa qua, tôi tập trung phỏng vấn, chụp ảnh, còn anh Sơn lặng lẽ lo công việc, tiếp đoàn, chúng tôi không có dịp trò chuyện với nhau.
Trong câu chuyện, tôi mới biết anh Sơn chính là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô 2013 với nhiều thành tích, trong đó đã cứu thành công 10 ngư dân gặp nạn cách đây hơn 10 năm. Anh Sơn cho biết, nhiệm vụ của chiến sỹ ở Trường Sa không chỉ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, mà còn trực tiếp tham gia cứu hộ ngư dân gặp nạn. Vào tháng 10/2013, thời điểm sóng to, gió lớn, khi đang làm Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B, anh phát hiện một tàu cá bị mắc cạn cách đảo khoảng 2 hải lý. Ngay lập tức, sau khi báo cáo cấp trên, anh cùng một chiến sỹ trực tiếp bơi ra, tiếp cận tàu gặp nạn và cứu được 10 ngư dân. Sau nhiều giờ đồng hồ vật lộn với sóng, gió, anh Sơn cùng cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Tây B đã đưa được xuồng ra ứng cứu, hỗ trợ ngư dân vào đảo an toàn.
Chủ tàu là ông Đặng Nhu cùng các ngư dân gặp nạn (quê ở tỉnh Phú Yên) lúc này bị hoảng loạn, khi số tài sản thiệt hại quá lớn với hàng tỷ đồng. Anh Sơn đã trực tiếp động viên, tìm cách liên hệ với tàu cá khác để đưa các ngư dân về bờ. Sau đó, anh Sơn cũng vận động đơn vị, các mạnh thường quân hỗ trợ cho ông Nhu phần nào tài sản thiệt hại. Nhờ ân tình sâu nặng với những người lính biển, ông Nhu nhanh chóng trở lại vươn khơi bám biển. Còn anh Sơn, mười mấy năm nay, từ Đá Đông B cho đến Cô Lin, nay là Trường Sa, anh vẫn gắn bó, làm nhiệm vụ trên vùng biển, đảo quê hương. Giữa hai người vẫn thường xuyên liên lạc với nhau, động viên nhau luôn hoàn thành tốt công việc của mình.
Ở các đảo Trường Sa, Đá Tây,… các âu tàu từ lâu đã là điểm tựa vững chắc cho bà con ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường Trường Sa. Tại đây, khi gặp giông bão, ngư dân có chỗ trú tránh, tàu bị hỏng hóc được sửa chữa miễn phí, tiếp nhiên liệu bằng giá với đất liền. Khi ngư dân thiếu lương lực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men,… đều được cán bộ, chiến sỹ trên đảo tiếp tế miễn phí.
Đặc biệt, nhiều trường hợp ngư dân có vấn đề sức khỏe, tai nạn trên biển nhiều năm qua còn được cấp cứu kịp thời ở Bệnh xá đảo Trường Sa. Thiếu tá, Bác sỹ Chuyên khoa I Dương Minh Chiến, Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa chia sẻ: “Ngư dân ra khơi đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nên chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để mọi người dân có điểm tựa và yên tâm vươn khơi bám biển. Chỉ mong rằng, nếu gặp nạn, ngư dân cần mau chóng được chuyển về Bệnh xá để chúng tôi có những phương án cứu chữa kịp thời”.
Theo Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Trung tá Trần Quang Phú, dịp cuối năm này, hơn 200 tàu cá từ nhiều địa phương trên cả nước đến trú tránh và ăn Tết cùng cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo. Trên âu tàu, ông Nguyễn Quang Thạch (quê Bình Định), chủ tàu BĐ-97445, hồ hởi: “Tết sắp đến rồi, chúng tôi muốn sum vầy đón Tết cùng anh em đảo. Ở đây, chúng tôi được hỗ trợ đủ thứ để ăn Tết, nhưng hơn hết vẫn là tình cảm chân thành của cán bộ, chiến sỹ Hải quân dành cho bà con ngư dân. Đó cũng là hành trang, động lực để chúng tôi tiếp tục vươn khơi, bám biển trên vùng ngư trường Trường Sa”.
* Nặng tình với Trường Sa
Cách âu tàu đảo Trường Sa không xa, Trường Tiểu học Trường Sa nằm núp mình dưới những tàng cây phong ba, bão táp, tạo nhiều bóng râm cho các em nhỏ vui chơi sau giờ học. Thấy phóng viên đến, một đám em nhỏ mẫu giáo ùa ra chào chúng tôi. Trẻ con ở Trường Sa dạn dĩ và lễ phép với người lớn. Chắc hẳn cuộc sống bình yên, chan hòa, lại được gắn bó với các chú bộ đội nên các em có được rèn luyện nhiều kỹ năng sống, có nhận thức hơn so với độ tuổi.
“Các em ở đây ngoan lắm anh ạ! Buổi chiều tối, các em chạy qua chơi với thầy, còn biết hỏi thăm “Thầy đã ăn cơm chưa, thầy nhớ nhà không, có nhớ con thầy không…”. Những câu hỏi ngây thơ mà khiến tôi xúc động rơi nước mắt. Mình xa gia đình ra đây làm nhiệm vụ dạy dỗ các em, nhiều khi chưa kịp hỏi han, quan tâm mà các em bé đã hỏi mình trước!”, thầy Cao Văn Truyền xúc động chia sẻ.
Lớp mẫu giáo của thầy Truyền gộp chung ba lớp Mầm, Chồi, Lá. Cùng lúc, thầy phải dạy ba lứa tuổi khác nhau, công việc giảng dạy rất đặc thù, nhất là lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Thầy Truyền kể: “Tôi là giáo viên tiểu học từ năm 2011 ở quê (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa - PV).
Là người dân tộc thiểu số Raglai sống ở miền núi, từ nhỏ, tôi đã có ước mơ lớn lên được làm chú bộ đội Hải quân canh gác nơi đảo xa. Yêu lắm mà giấc mơ phải gác lại, rồi có duyên với nghề giáo. Tuy vậy, cuối cùng, tôi vẫn có cơ hội đến Trường Sa để dạy dỗ các em nhỏ, dù chưa dạy đúng bậc Tiểu học, tôi vẫn quyết tâm thực hiện nguyện vọng của mình”.
Thầy Lê Xuân Hạnh, Trường Tiểu học Trường Sa cho biết: “ Thầy Truyền yêu trẻ lắm. Dù là giáo viên tiểu học nhưng thầy tự mày mò, tìm hiểu phương pháp giáo dục mầm non. Gặp nhiều tình huống nghiệp vụ khó, ngoài trao đổi với đồng nghiệp, thầy còn gọi điện về đất liền để học hỏi thêm các cô giáo mầm non. Nhờ vậy, thầy thích nghi chuyên môn mới nhanh chóng, được tụi nhỏ quý mến”.
Phuj huynh học sinh, có ngọn rau, miếng thịt hay con cá cũng mang đến chia sẻ với thầy Truyền, thầy Hạnh và các thầy cô khác. Cán bộ, chiến sỹ ở đảo sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho các thầy thực hiện nhiệm vụ trồng người.
Nói chuyện một lúc, các em nhỏ lại đòi thầy Truyền dắt qua chơi ở chùa Trường Sa. “Tụi nhỏ rất hay qua chơi với Đại đức Thích Nhuận Đạt, Trụ trì chùa Trường Sa. Qua đây lần nào, cả đám cũng mè nheo, nhõng nhẽo Đại đức để đòi quà bánh, bày trò chơi nữa”, thầy Truyền nói khi đi cùng tôi qua chùa Trường Sa.
Tại chùa, vừa bóc kẹo cho các em nhỏ, Đại đức Thích Nhuận Đạt vừa chia sẻ: “Thầy tu ở Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) từ nhỏ. Năm 2012, sư phụ nói thầy đi đảo Song Tử Tây làm nhiệm vụ Phật sự một năm rồi trở về với sư phụ. Cái duyên với đảo thế nào mà thầy gắn bó luôn đó đó đến tận bây giờ, từ chùa Song Tử Tây qua chùa Trường Sa. Sư phụ mất rồi, thầy thỉnh sư phụ ra đây để thờ. Sống ở đảo đã lâu, quân - dân trên đảo ai cũng yêu thương, đùm bọc nhau, thầy muốn đăng ký tình nguyện gắn bó ở đây mãi…”.
Dẫn tôi đi tham quan chùa, Đại đức giới thiệu, chùa Trường Sa mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống Việt Nam, có mái uốn cong như mái đình, cổng tam quan được xây bề thế. Chùa có khuôn viên rộng nhất và phủ rất nhiều cây xanh so với các chùa ở các đảo khác thuộc Trường Sa. Đại đức Thích Nhuận Đạt còn chỉ cho tôi Quốc huy Việt Nam in nổi trên từng viên ngói lợp mái, viên gạch xây chùa Trường Sa,...
Trời tối muộn, tôi cùng với thầy Truyền và các em nhỏ mới trở về nghỉ. Tạm biệt chùa Trường Sa, Đại đức lại dành cho tôi một nụ cười an lạc cũng như luôn dành cho cán bộ, chiến sỹ và bà con nhân dân trên đảo khi đến thăm viếng chùa. Ở đây, lúc nào cũng chỉ có sự yên bình trong không khí thanh bình của Trường Sa, vốn luôn đượm nghĩa tình quân - dân./.
Bài cuối: Vui Tết với Trường Sa
- Từ khóa:
- Xuân
- Trường Sa
- nghĩa tình