Xây dựng Đảng

Ý kiến cán bộ, đảng viên: Dồn lực hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục

TP. Hồ Chí Minh

Nhiều cán bộ, đảng viên Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng định hướng phát triển kinh tế sẽ là động lực giải quyết hiệu quả khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài để nền kinh tế phục hồi tăng trưởng thời gian tới.

Công nhân làm việc tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN).

TTXVN  - Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII (diễn ra từ 15-17/5), vấn đề định hướng phát triển kinh tế được nhiều cán bộ, đảng viên đặc biệt quan tâm. Nhiều cán bộ, đảng viên Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng định hướng này sẽ là động lực giải quyết hiệu quả khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài để nền kinh tế phục hồi tăng trưởng thời gian tới.

* Giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững

Theo dõi Hội nghị, bà Bùi Thị Thảo Hiền, giảng viên Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm tới những ý kiến chỉ đạo của Trung ương về vấn đề phát triển kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Phát biểu kết luận về phương hướng, nhiệm vụ nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo bà Bùi Thị Thảo Hiền, các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là rất đúng đắn, sát thực tế trong giai đoạn đầy biến động và căng thẳng trên thế giới. Nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII sẽ có nhiều thách thức và cơ hội mà Đảng, Nhà nước cần chú trọng. Cụ thể, các vấn đề về thu hút đầu tư FDI, vấn đề về thuế tối thiểu toàn cầu GMT hiện nay được doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Đối với doanh nghiệp trong nước, vấn đề về tiếp cận nguồn vốn cho vay và lãi suất cho vay cần xem xét thật kỹ lưỡng.

Bà Bùi Thị Thảo Hiền đề nghị , thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần có sự giám sát rất chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời xử lý, ngăn chặn triệt để vi phạm của tổ chức dịch vụ tài chính, tín dụng bởi vì đây là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp trong trung và dài hạn, tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Bà Bùi Thị Thảo Hiền cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ chủ chốt của Đảng, Nhà nước thời gian tới, bà hoàn toàn tin tưởng vào những quyết sách, chính sách toàn Đảng, toàn dân cùng đồng lòng xây dựng, phát triển đất nước vững mạnh và đạt được nhiều thắng lợi thời gian tới.

* Ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Cũng quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XIII, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hội nghị nhấn mạnh việc cần ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn là định hướng rất quan trọng ở thời điểm này.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình, khó khăn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang bị trì trệ do ảnh hưởng từ thị trường thế giới và nội tại nền kinh tế. Trong đó, vấn đề dịch bệnh kéo dài, xung đột địa chính trị, các nước thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô, nhu cầu thị trường sụt giảm… đang ảnh hưởng lớn đến tất cả thành phần kinh tế.

Việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là điểm mấu chốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi chỉ khi hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động trở lại mới tạo ra việc làm, tăng thu nhập và chi tiêu của người dân.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình cho biết, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện song song nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi như, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và đẩy mạnh đầu tư công. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách cần nhanh chóng hơn mới trợ lực kịp thời cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Về đầu tư công, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình cho rằng, dù Chính phủ, các Bộ, ngành và nhiều địa phương liên tục bàn, đốc thúc đầu tư và giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, thực tế, việc triển khai còn rất chậm. Nguyên nhân do cơ chế chính sách như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, chính sách sử dụng tài chính nhà nước… còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Điều này khiến một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám đẩy mạnh triển khai. Do đó, cần sửa đổi quy định liên quan cho đồng bộ để cán bộ phụ trách mạnh dạn thực hiện, không sợ sai phạm trong các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện đầu tư công.

Song song đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình cho rằng, chính sách tài khóa có vai trò rất quan trọng cho quá trình hồi phục của doanh nghiệp. Việc giảm thuế giá trị gia tăng VAT 2% cần được triển khai trên tất cả các hàng hóa dịch vụ, thay vì chỉ tập trung một số hàng hóa như trước; đồng thời sử dụng nguồn dự phòng để tiếp tục giảm mạnh các loại thuế phí hỗ trợ doanh nghiệp. Có như vậy, nền kinh tế mới có thể sớm hồi phục và tăng trưởng bền vững hơn thời gian tới, đúng với tinh thần nội dung Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII./.

T.Chung - H.Chung

Tin liên quan

Xem thêm