10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục: Thiếu giáo viên vẫn là điều khó khăn nhất
Gia Lai đã đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
TTXVN - Chiều 22/6, Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Địa bàn rộng, dân cư thưa, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo... đã ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành giáo dục, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Gia Lai đã có những bước phát triển, quy mô trường lớp tiếp tục được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn.
Gia Lai đã đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đến năm 2021, Gia Lai đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, có 202/220 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, 14/17 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2. Ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai cũng đầu tư giai đoạn 2011-2012 hơn 840 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 gần 750 tỷ đồng cho các chương trình, dự án, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trên địa bàn. 100 % trường học triển khai cơ sở dữ liệu ngành, kết nối mạng internet, lắp đặt hệ thống trực tuyến phục vụ chuyên môn. Toàn tỉnh Gia Lai hiện đã có 100% cơ sở giáo dục và dạy nghề hoàn thành Đề án vị trí việc làm theo đúng quy định hướng dẫn, thực hiện công khai hóa về chất lượng giáo dục...
Với nhiều khó khăn, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông của tỉnh Gia Lai chưa đảm bảo tiến độ đề ra, đến năm học 2020-2021, tỉnh Gia Lai mới chỉ áp dụng Nghị quyết; một số chính sách chưa được cụ thể hóa kịp thời theo thực tiễn triển khai. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của ngành giáo dục địa phương còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp Trung học Cơ sở và cấp Trung học Phổ thông, nhất là khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới, việc tập huấn đội ngũ giáo viên còn hạn chế, nhất là giáo viên dạy các môn tích hợp.
Theo Tỉnh ủy Gia Lai, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện Nghị quyết 29 là thiếu giáo viên và cơ sở vật chất để thu nhận trẻ mẫu giáo ra lớp, tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và học sinh trong các cơ sở giáo dục. Trẻ ra lớp các điểm trường lẻ tại thôn, làng thuộc xã phần lớn đều học lớp ghép, trẻ chưa được tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục như mục tiêu từng độ tuổi vì thiếu giáo viên, cơ sở vật chất.
Với nhiều khó khăn, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai vẫn chưa đạt được một số chỉ tiêu trong "Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020" của Chính phủ: Tính đến tháng 12/2022, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chỉ mới đạt 50%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non đạt 92%; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi học Trung học Phổ thông đạt 57,5%. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các địa phương còn chênh lệch, giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống chưa đáp ứng kịp với nhu cầu và sự thay đổi hành vi trong xã hội....
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, cho rằng, tỉnh Gia Lai cần có giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trong thời gian tới. Theo ông Định, khó khăn nhất trong việc thực hiện vẫn là tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục công lập. Hiện, tỉnh Gia Lai có 759 trường mầm non, phổ thông, có hơn 10.000 lớp với trên 407.000 học sinh; năm học 2022-2023 vẫn còn thiếu 4.528 giáo viên, nhân viên. Năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học ở lớp 3 là môn học bắt buộc; môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 là môn học lựa chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tuy nhiên, giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học ở cấp Tiểu học hiện chưa đáp ứng nhu cầu ; các trường Trung học Phổ thông trực thuộc Sở không có giáo viên môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Theo ông Định, mặc dù đã có nhiều văn bản kiến nghị, chờ cấp có thẩm quyền phân bổ chỉ tiêu giáo viên, nhân viên ngành giáo dục nhưng đến nay chưa có chỉ đạo cụ thể nên việc thiếu giáo viên vẫn là điều khó khăn nhất khiến Nghị quyết bị hạn chế thực hiện.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho rằng, cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phục vụ phát triền kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nhu cầu hội nhập trong thực trạng tỉnh Gia Lai có quá nhiều thuận lợi về con người. Theo đó, tỉnh Gia Lai đã sáp nhập 4 trường Trung cấp và Trường Cao đẳng nghề Gia Lai thành Trường Cao đẳng Gia Lai và giải thể 4 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện hoạt động không hiệu quả.
Theo ông Hải, đội ngũ nhà giáo của lĩnh vực này phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, họ được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và kỹ năng dạy học. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh và có hiệu quả tích cực. Đào tạo nghề từng bước chuyển hướng "cung" sang "cầu" gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nhu cầu việc làm của thị trường. Theo đó, giai đoạn 2013-2022, tỉnh Gia Lai đã tuyển sinh và đào tạo được hơn 127.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 25,6% năm 2013 lên 38,5% năm 2022, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 36% năm 2013 lên hơn 59% năm 2022.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các sở, ban, ngành, địa phương đã nêu lên thực trạng, khó khăn và hướng giải quyết các vấn đề như tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo chỉ tiêu, định mức giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; một số kinh nghiệm trong xây dựng trường chuẩn quốc gia; Hiệu quả mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú; nhiều giải pháp duy trì sỹ số học sinh; nhân rộng các mô hình xây dựng thư viện trường học... cũng được các đại biểu thảo luận trong Hội nghị.Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị hệ thống chính trị tỉnh Gia Lai cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện hóa quan điểm "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu";...
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực... là các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 trong thời gian tới.
Ông Niên cũng kiến nghị đối với Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ các nguồn vốn sự nghiệp, vốn đầu tư và các chương trình dự án nhằm đảm bảo nguồn lực cho Gia Lai, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất. Ông Niên cũng kiến nghị Bộ Nội vụ quan tâm tham mưu Chính phủ đảm bảo định biên giáo viên trên lớp để tỉnh Gia Lai triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo; đồng thời, sớm có hướng dẫn cho Gia Lai thực hiện phân bổ 1.244 chỉ tiêu việc làm đã được Trung ương giao theo Quyết định 72 năm 2020 để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục Gia Lai./.