Thời sự

35 năm sự kiện Gạc Ma: Trường Sa - Thành đồng Tổ quốc

Khánh Hòa

Ngư dân được khuyến khích vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, với mong muốn mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một “cột mốc” chủ quyền giữa biển khơi.

Chiến sĩ Trường Sa vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Sau 35 năm kể từ ngày diễn ra sự kiện 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma, thuộc Trường Sa của Việt Nam, vùng trời, vùng biển huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ngày nay đã đổi thay, vươn lên mạnh mẽ.

Đổi thay từng ngày

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trải qua quá trình dài xây dựng và phát triển, Trường Sa hôm nay đã đổi thay, đời sống nhân dân dân, cán bộ, chiến sĩ trên các xã đảo ngày càng đầy đủ, ấm no. Theo Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn 2045, quân và dân huyện đảo Trường Sa tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Những năm qua, cả nước luôn đồng hành, khuyến khích ngư dân vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, với mong muốn mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một “cột mốc” chủ quyền giữa biển khơi. Nhờ có sự đầu tư bài bản, Trường Sa nay đã có trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp mọi dịch vụ để ngư dân vươn khơi bám biển và là nơi tránh trú an toàn cho tàu thuyền và ngư dân khi có bão.

Các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đảm nhiệm cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với giá như ở trong đất liền nên tiết kiệm được nhiều chi phí cho ngư dân.

Tại đây còn có bể chứa nước ngọt, kho hàng hóa và xưởng cơ khí phục vụ sửa chữa cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt; kho lạnh và kho cấp đông bảo quản hải sản; hệ thống máy phát điện, nhà nghỉ cho ngư dân...

Toàn cảnh khu tưởng niệm Gạc Ma, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngư dân Trần Bé (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang) chia sẻ: Nhờ có các âu tàu trên quần đảo Trường Sa, tàu đánh cá của ông có nơi tránh trú an toàn vào những lúc thời tiết trên biển xấu. Bên cạnh đó, khi bạn thuyền đau ốm đều được các bác sĩ trên đảo cứu chữa kịp thời. Các ngư dân gặp khó khăn còn được tặng quà động viên, chia sẻ.

Bên cạnh công tác hậu cần, kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo còn thực hiện công tác dân vận, thường xuyên tuyên truyền hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản trong khu vực và giúp đỡ ngư dân trong lúc hoạn nạn, gặp khó khăn...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa cho biết thêm, Trường Sa hôm nay khang trang mọi mặt. Huyện hiện có 8 bệnh xá và một trung tâm y tế. Các cơ sở y tế đều được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, có thể giải quyết nhiều ca bệnh cho quân và dân của huyện, cũng như khám, điều trị bệnh cho ngư dân gặp nạn trên biển.

Đặc biệt, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến với Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) giúp truyền hình ảnh bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm, để hội chẩn, thống nhất phương pháp điều trị. Những ý kiến tư vấn, chỉ đạo của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 được các y, bác sĩ ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa đã góp phần giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trên đảo...

Không chỉ y tế, giáo dục nơi đây cũng ngày càng phát triển, 3 trường tiểu học tại thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn có nhiệm vụ giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Theo báo cáo của sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa, giáo dục ở Trường Sa từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì, giáo viên đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh đạt khá và giỏi hàng năm đạt 100%; học sinh vào đất liền học tiếp lên các cấp cao hơn đều theo kịp chương trình và đạt lực học khá, giỏi.

Cán bộ, chiến sĩ tàu Trường Sa 14 đến đảo Cô Lin – đảo đá được các chiến sĩ hải quân anh dũng chiến đấu, bảo vệ thành công trong trận chiến đấu tại Gạc Ma ngày 14/3/1988. (Ảnh: Xuân Trường/TTXVN)

Thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Với vị trí tiền tiêu, đảo Cô Lin cùng với các đảo khác của Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc và là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, đảo. Phóng viên Cơ quan Thường trú TTXVN tại Khánh Hòa đã được tận mắt chứng kiến Cô Lin ngày nay có đầy đủ khu làm việc, nơi dự trữ nguồn nước ngọt... Xung quanh đảo, có các lực lượng thực hiện tuần tra, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển.

Trong chuyến ra thăm Trường Sa năm ấy có Thượng úy Hải quân Trần Thị Thủy, con gái của Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương (hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988). Khi tàu qua vùng biển này, không kìm được xúc động, chị Thủy nghẹn ngào nhìn về phía Cô Lin, Gạc Ma. Trong không khí trang nghiêm của lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Gạc Ma hy sinh năm 1988 để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, với giọng đầy tự hào, chị Thủy kể về người bố anh hùng của mình và lòng quyết tâm nối nghiệp cha, bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc.

Gặp lại chị Thủy trong một chiều tháng Ba năm 2023 ở Vùng 4 Hải quân, chị xúc động cho biết: Chị có nhiều lần ra Trường Sa công tác, mỗi lần là những nhiệm vụ khác nhau. Với chị, Trường Sa mỗi ngày mỗi khác, điều kiện sống của người dân trên các đảo, ngư dân đánh bắt cá quanh Trường Sa đều đổi thay đáng mừng.

Thượng úy Hải quân Trần Thị Thủy (con gái liệt sỹ, Anh hùng LLVT Trần Văn Phương hy sinh ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma) xúc động thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên vùng biển Trường Sa (4/6/2021). (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa Lê Đình Hải, Trường Sa là tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc nên công tác quốc phòng - an ninh được chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển và xây dựng khu vực phòng thủ xã, thị trấn vững chắc. Do đó, huyện Trường Sa luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có sức chiến đấu cao, giữ vững vùng biển, đảo được giao, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

"Phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội", ông Lê Đình Hải nhấn mạnh.

Tiếp nối truyền thống 40 năm huyện đảo Trường Sa (12/1982 - 12/2022), ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa mong muốn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện đảo tiếp tục thực hiện quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối chính trị, quân sự, kinh tế, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội; thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân; bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa để triển khai các nhiệm vụ, có mục tiêu cụ thể.

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua quyết thắng... đồng thời được đẩy mạnh nhằm xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…/.

Phan Sáu

Xem thêm