Xã hội

75 năm Thi đua ái quốc: Trung tá Nguyễn Chí Thành - "Người hùng cứu nạn" của nhân dân

TP. Hồ Chí Minh

Trong quá trình công tác, Trung tá Nguyễn Chí Thành luôn có mặt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại các điểm nóng về cứu nạn, cứu hộ

Trung tá Nguyễn Chí Thành cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ. (Ảnh/TTXVN phát)

TTXVN - Trong hơn 22 năm công tác, Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an Thành phố Hồ Chí Minh luôn quên mình thực hiện nhiều nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ nguy hiểm. Vì thế, anh được đồng đội và nhân dân yêu mến, coi là "người hùng cứu nạn" của nhân dân.

* Quên mình làm nhiệm vụ

Trung tá Nguyễn Chí Thành trong 1 lần làm nhiệm vụ.  (Ảnh/TTXVN phát)

Trong quá trình công tác, Trung tá Nguyễn Chí Thành luôn có mặt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại các điểm nóng về cứu nạn, cứu hộ như: tham gia cứu nạn, cứu hộ tìm nạn nhân mất tích tại hang Cốc Chia thuộc xóm Cả Poóc, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng sâu khoảng 220m, miệng hang thẳng đứng (tháng 11/2019); tìm nạn nhân ở hang sâu khoảng 280 m thuộc xã Sùng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang (tháng 2/2020)... Trong đó có những nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể đánh đổi bằng cả mạng sống.

Tháng 11/2019, anh ra Cao Bằng thực hiện nhiệm vụ tìm nạn nhân đã rơi xuống hang 3 năm. Hang nhỏ thẳng đứng, sâu 220m, miệng hang rộng khoảng 2m2, thiếu dưỡng khí và tối tăm, trong khi thời tiết lạnh, có mưa phùn. Hồi hộp, lo lắng. "Nếu dừng lại thì có thể nạn nhân sẽ nằm mãi mãi ở dưới hang, thực hiện nhiệm vụ thì mình cũng có thể hy sinh, nhưng nhìn thấy ánh mắt người thân nạn nhân đang mong mỏi, anh quyết định sẽ đánh cược sự sống của chính mình. Nạn nhân bị một tảng đá đè lên, tôi phải dùng tay hất đá sang một bên rồi bỏ thi thể vào bao, hơn 1 giờ đồng hồ mới xong. Đến cửa hang, người nhà nạn nhân dân tộc Mông đã chắp tay vái lạy cảm ơn, tôi rất xúc động", anh Thành hồi tưởng.

Với kinh nghiệm cứu hộ dưới hang, tháng 2/2020, anh tiếp tục được giao tìm kiếm nạn nhân rơi xuống hang ở cao nguyên đá Đồng Văn 10 ngày. Đây là hang nguyên sơ, không biết có sinh khí hay không, tổ công tác đắn đo suy nghĩ, tính nhiều phương án. Anh xung phong xuống một mình, để lỡ tình huống xấu nhất xảy ra là hy sinh thì chỉ một mình anh. Vừa xuống hang vài mét, xung quanh anh tối đen, nhũ đá nhọn đâm trúng da thịt, anh bắt đầu…sợ. Chật vật mãi anh mới xuống được đáy hang sâu khoảng 280 m, thi thể đã trương phình, bốc mùi nồng nặc.

Anh ngược lên trở lại để lấy cồn, rượu và dụng cụ rồi đưa thi thể nạn nhân lên. Lần 2 xuống gần đáy hang, bất ngờ lũ quét xuất hiện, đất đá ở trên chảy ầm ầm xuống hang, bộ đàm bị mất sóng. Một mình bị treo lơ lửng trong hang, anh cũng hoảng sợ. Gần 1 giờ sau, mưa tạnh, bộ đàm được kết nối trở lại. "Tôi tiếp cận được và cố gắng đưa nạn nhân vào bao ni-lông. Nạn nhân nằm ở dốc nghiêng, thi thể đã trương sình. Có lúc tôi định bỏ cuộc nhưng lại nghĩ đến nạn nhân nằm nơi lạnh lẽo, nỗi đau người thân của họ, tôi lại dùng ý chí để thực hiện nhiệm vụ", Trung tá Nguyễn Chí Thành tâm sự.

Gần đây ngày 23/3/2023, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã chỉ huy 12 cán bộ chiến sỹ triển khai tìm kiếm được nạn nhân mắc kẹt trong vụ chìm tàu cá tại vùng biển huyện Cần Giờ. Tàu bị chìm sâu dưới nước khoảng 20m, khu vực này nước chảy xiết, có xoáy quẩn nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

* Kỷ niệm khó quên khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế

Trung tá Nguyễn Chí Thành và gia đình sau khi anh về từ chuyến cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.  (Ảnh/TTXVN phát)

Ngày 6/2/2023, một trận động đất có độ lớn khoảng 7.8 làm rung chuyển nhiều tỉnh, thành phố trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, nhiều đoàn cứu nạn, cứu hộ quốc tế đã lên đường đến đất nước đau thương này. Thông tin ban đầu cho biết, Việt Nam sẽ cử đoàn cứu nạn cứu hộ sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không biết ai sẽ đi và đi lúc nào.

Trung tá Nguyễn Chí Thành cho biết: “Trong các cuộc họp giao ban, Trưởng phòng PC07, Đại tá Huỳnh Quang Tâm đã chỉ đạo chúng tôi khẩn trương chuẩn bị và chờ lệnh lên đường. Gần 2 tấn thiết bị nhanh chóng được “đóng thùng”, sẵn sàng cơ động. Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho anh em, thủ trưởng đã chỉ đạo anh em hậu cần ra chợ mua ngay mấy bộ quần áo lạnh”. Do vậy, khi được lệnh điều động từ Bộ Công an, các cán bộ chiến sỹ vẫn chưa chuẩn bị gì cho riêng mình.

Kỷ niệm mà Trung tá Thành và nhiều đồng đội không thể quên khi cứu nạn cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ là thời khắc phát hiện sự sống dưới đống đổ nát sau 6 ngày bị vùi lấp. Ngay lập tức, lực lượng cứu hộ tìm cách nói chuyện, phát tín hiệu với nạn nhân để xác định rõ vị trí, thực hiện quy trình giải cứu. Sau khi báo cáo trưởng đoàn, Trung tá Thành xung phong xuống hố để tìm nạn nhân.

Trung tá Nguyễn Chí Thành kể: “Tôi đã dùng tay moi một lỗ và chuyển từng khối xà bần ra ngoài. Vừa đào lỗ tôi vừa gọi “Hello!”, có giọng trả lời “Hello!”. Tiếng trả lời càng lúc càng gần. Người tôi run lên vì vui sướng. Khoảng gần 10m, tôi tiếp cận được căn phòng nơi có nạn nhân. Trần nhà đổ sập, nhưng vẫn còn một khoảng hở chừng 1m. Ống nước bị bể, cả căn phòng ngập nước. Chắc có lẽ nhờ vậy mà cậu bé này sống sót. Đúng là quá thần kỳ. Khuôn mặt cậu bé vẫn còn hồng hào và không bị thương tích gì cả. Nơi đây chúng tôi đã tìm được 14 thi thể nạn nhân và trước đó, cũng tại vị trí này đã có 2 đoàn đến làm việc, nhưng không tìm được nạn nhân”.

Sau 10 ngày xuất quân thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và đã trở về nước vào chiều 19/2. Chuyến xuất ngoại tham gia công tác cứu nạn cứu hộ của đoàn Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt với chính quyền và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cảm tình của các đội cứu nạn cứu hộ các nước vì thành tích tìm, cứu sống 1 nạn nhân và tìm kiếm được 14 thi thể tại nhiều vị trí.

Nói về cấp dưới của mình, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an Thành phố Hồ Chí Minh tự hào cho biết: "Đồng chí Thành là một tấm gương điển hình của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, có nhiều chiến công, thành tích xuất sắc. Anh luôn thể hiện nhiệt huyết, sẵn sàng nhận, nỗ lực vượt khó, dũng cảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ dù gian khó, hiểm nguy đến mấy".

Hơn 20 năm gắn bó với công việc, nhưng cuộc sống gia đình Trung tá Nguyễn Chí Thành vẫn khó khăn, chưa có nhà ở, phải thuê trọ. Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trung tá Thành là nguồn lực kinh tế chính của gia đình và đang cùng vợ, con sinh sống tại căn phòng trọ xuống cấp ở Quận 1.

Một số nhà hảo tâm cảm mến, kính phục trước thành tích của Trung tá Thành và biết được hoàn cảnh khó khăn nên hỗ trợ tặng căn nhà ở xã hội ở quận Bình Tân để giúp gia đình anh ổn định cuộc sống, từng bước khắc phục khó khăn, yên tâm công tác. Giữa tháng 3/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao tặng gia đình anh căn nhà đồng đội. Sự quan tâm ấy tiếp thêm động lực để Trung tá Nguyễn Chí Thành tiếp tục cống hiến hết mình cho nhiệm vụ cao cả.

 Lễ trao tặng nhà ở cho gia đình Trung tá Nguyễn Chí Thành.  (Ảnh/TTXVN phát)

Nhận căn nhà ở xã hội, Trung tá Thành đã bật khóc vì đây là niềm mơ ước lớn nhất của vợ chồng anh từ nhiều năm qua. Anh xúc động và bày tỏ sẽ tiếp tục cố gắng tận lực cứu người, tận dụng từng giây phút tìm sự sống, tìm nạn nhân cũng như chăm lo huấn luyện lực lượng kế cận.

Với những cống hiến và thành tích của mình, Trung tá Nguyễn Chí Thành là 1 trong 5 gương điển hình tiên tiến được chọn giao lưu tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020. Trung tá Nguyễn Chí Thành được Giám đốc Công an Thành phố tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2020, 2021, 2022; được lãnh đạo các cấp tặng 6 Bằng khen và đang được đề nghị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng năm 2023. Mới đây, Bộ Công an đang lấy ý kiến nhân dân về việc xét tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với anh./.

Thành Chung

Xem thêm